Sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn

Hiện nay, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt thì việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang đã thực hiện mô hình “Chăn nuôi bò thịt tuần hoàn tăng hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho thành viên hợp tác xã tại xã Mỹ An, huyện Chợ Mới”.

Mô hình tận dụng nguồn phụ, phế phẩm nông nghiệp dồi dào tại địa phương làm thức ăn cho chăn nuôi bò thịt. Chất thải của chu trình chăn nuôi được sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, thay thế một phần phân vô cơ.

Hiệu quả kinh tế mô hình mang lại tại những hộ vừa chăn nuôi bò thịt, vừa trồng bắp thu trái non giúp tăng khoảng 29% thu nhập so với những hộ không thực hiện mô hình. Người chăn nuôi tham gia mô hình còn được hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm bò thịt và liên kết tiêu thụ bắp non với Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang.

Tại huyện Phú Tân, Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh (HTX) đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Dự án Đổi mới sáng tạo xanh trang bị 1 máy trộn rơm để thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ từ rơm sản xuất giá thể hữu cơ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp. HTX nông nghiệp Phú Thạnh đã đại diện cho nông dân ký hợp đồng với doanh nghiệp thực hiện mô hình thu gom rơm bằng máy cuốn rơm.

Rơm sau đó được cung ứng cho các hộ trồng nấm hoặc bán cho các trang trại trong và ngoài tỉnh làm thức ăn chăn nuôi, phân bón, che ủ cho cây trồng… Nhờ vậy, vừa không phải đốt rơm ngay trên đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường, vừa giúp gia tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Ủ phân hữu cơ từ rơm

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Văn Lô Ba cho biết, đơn vị sẽ thu gom rơm đã qua trồng nấm về điểm tập trung và mua thêm phân bò, xơ dừa, tro trấu, men vi sinh và nước để trộn ủ theo tỷ lệ thích hợp. Sau thời gian sản xuất khoảng 1,5 tháng sẽ cho ra thành phẩm là giá thể hữu cơ vi sinh. Thành phẩm này được bán cho các hộ làm vườn trồng cây ăn trái, rau màu và lúa để thu lợi nhuận.

Sự thành công của mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ, phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Dự án cũng được hỗ trợ ở các huyện khác như: HTX Vĩnh Bình (huyện Châu Thành), HTX Lộc Phát 1 (huyện Tri Tôn) và HTX Tây Phú (huyện Thoại Sơn).

Trong mô hình trồng trọt, bắt nhịp với xu thế “sản xuất xanh”, chị Châu Thị Nương (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn) đã tận dụng phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, cám bắp, cám gạo) phối trộn làm phôi giống, cấy meo tạo ra giá thể nuôi trồng thành công các loại nấm.

Sau khi thu hoạch nấm, phụ, phế phẩm phôi nấm được dùng làm thức ăn cho trùn quế, tạo ra lượng phân hữu cơ rất tốt, hữu ích và tiếp tục bón cho cây lúa, bắp. Sau đó, chị lấy thân cây tiếp tục làm phôi nấm, tạo thành vòng tuần hoàn khép kín, không có rác thải, không ô nhiễm môi trường, lại có sản phẩm nấm sạch, dinh dưỡng phục vụ người tiêu dùng.

Theo Sở NN&PTNT An Giang, thời gian qua, để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp canh tác thích nghi, kỹ thuật thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu vi sinh, hữu cơ, phát triển kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm đầu vào, chế biến phụ phẩm nông nghiệp, thương mại hóa tín chỉ carbon…

Qua đó, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện thu nhập cho nông dân. Quá trình triển khai, trên địa bàn tỉnh đã có những mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả như: Trồng nấm rơm trong nhà, dạng trụ để xử lý rơm, trồng nấm rơm dưới tấm năng lượng mặt trời, tận dụng xác bã làm phân hữu cơ; chế biến phụ phẩm thực vật thành phân hữu cơ vi sinh; chăn nuôi bò thịt tuần hoàn, bắp-bò…

Các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung khá phong phú và đa dạng. Một số mô hình đã được triển khai rộng khắp ở các địa phương, đem lại nhiều kết quả tích cực, đóng góp cho sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp và cải thiện điều kiện sống cho nông dân.

Cùng với đó, nghiên cứu khoa học về triển khai và nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn cũng đạt được hiệu quả. Đặc biệt, tại các xã nông thôn mới được các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT quan tâm thực hiện. Từ kết quả trên, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp.

Sở NN&PTNT An Giang sẽ nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ mô hình sản xuất – kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, hình thành hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ.

Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp và các cơ sở kinh tế khác được tiếp cận và ứng dụng các công nghệ, quy trình sản xuất áp dụng các biện pháp của kinh tế tuần hoàn, gắn với yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng…

Theo Mỹ Hạnh – Báo An Giang (Ngọc Dựng – Sưu tầm)

Link bài gốc: https://baoangiang.com.vn/san-xuat-nong-nghiep-theo-huong-tuan-hoan-a403367.html?fbclid=IwY2xjawEyKbRleHRuA2FlbQIxMQABHU2hRefYPzDu08LZY1i_sr44VoP6JaC6q6T2IBQkypEbclKjAI8N1Mm27w_aem_sqUIuSFWRV-G9nKn1n-uWw