Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang thăm và làm việc tại Đồng Nai và Bình Dương kết nối tiêu thụ sản phẩm

  Từ ngày 06/02 đến ngày 09/02/2023, Đoàn công tác Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh An Giang do ông Trần Văn Cứng – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh làm Trưởng đoàn cùng các thành viên đã đến thăm và làm việc với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Nai và Bình Dương về kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các tỉnh.

Cụ thể, ngày 06 và 07/02/2023, Đoàn công tác đã trao đổi với lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai về kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa hai tỉnh và học hỏi kinh nghiệm trong vận hành Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh Đồng Nai. Qua trao đổi, ông Đỗ Phước Dũng – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai đã thông tin tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX với số vốn 150 tỷ đồng đã hỗ trợ rất hiệu quả cho HTX phát triển, với tỷ lệ dư nợ tín dụng trên 90%.

Sau khi trao đổi, Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai đã giới thiệu cho Đoàn công tác mô hình của HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình về sản xuất chuối xuất khẩu trực tiếp chất lượng cao sang các thị trường Nhật, Hàn, Trung với số lượng từ 12 container/tháng tạo thu nhập cho các thành viên HTX với diện tích liên kết tiêu thụ hiện nay khoảng 700 ha, tỷ suất lợi nhuận đạt từ 25 – 30%. Ngoài ra, HTX còn hỗ trợ các thành viên liên kết tiêu thụ các phụ phẩm từ cây chuối như: lá chuối, dây chuối khô được tận dụng từ bẹ chuối bán cho các cơ sở sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp làm gia tăng thu nhập cho thành viên.

Ngày 08 và 09/02/2023, Đoàn công tác đã trao đổi với lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Bình Dương về kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa hai tỉnh và học hỏi kinh nghiệm trong vận hành Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh Bình Dương. Qua trao đổi, ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Dương đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX của tỉnh Bình Dương chủ yếu về các HTX dịch vụ, HTX nông nghiệp công nghệ cao tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên HTX. Về Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh được cấp 90 tỷ đồng với dư nợ tín dụng hàng năm đạt 90% đạo được nguồn vốn cho các HTX mở rộng sản xuất kinh doanh và phát triển. Sau khi trao đổi, Liên minh HTX tỉnh Bình Dương đã giới thiệu mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao An Thành với 07 thành viên chính thức và gần 100 thành viên liên kết sản xuất dưa lưới trong nhà màng. HTX đã thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ trồng dưa lưới và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên liên kết.

Ngoài ra, trong ngày 08/02/2023, Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Chi nhánh thương mại Con Voi thuộc Công ty cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương. Tại đây, Đoàn công tác đã tham quan Khu liên hiệp xử lý rác thải Bình Dương được đầu tư từ Công nghệ của Phần Lan gồm 04 nhà máy từ nguồn hỗ trợ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với Công ty Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE) để đầu tư dự án xử lý rác thải đô thị và rác thải công nghiệp, biến rác thành phân bón hữu cơ, phát điện. Khoản vay này đã giúp Bình Dương có thêm nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ rác công suất 840 tấn/ngày và lò đốt rác có công suất phát điện thêm 5 MW/giờ. Trong hoạt động toàn bộ rác thải sinh hoạt được tập kết về khu liên hợp xử lý rác thải tỉnh Bình Dương trên 2.500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, sẽ được phân loại toàn bộ và tái chế làm phân hữu cơ, qua đó giảm thiểu số lượng rác thải chôn lấp. Đối với lò đốt rác thu nhiệt phát điện được tài trợ vốn vay của đối tác quốc tế, dự án tại Bình Dương sẽ được đầu tư công nghệ tiên tiến, qua đó xỉ tro còn lại thấp và xỉ tro này sẽ tiếp tục được tái chế ra các loại gạch, bê tông để bảo vệ môi trường.

Phân bón hữu cơ Con Voi Bình Dương bổ sung lượng lớn chất mùn, các axit humic, axit fulvic, humin…giúp cải tạo đặc tính sinh học, hoá học và vật lý của đất. Đồng thời, phân bón hữu cơ Con Voi Bình Dương chứa đầy đủ các thành phần đa, trung, vi lượng và các vi sinh vật có ích giúp tăng cường dinh dưỡng cho đất, cân bằng độ ẩm, pH đất, tăng sức đề kháng và năng suất cây trồng. Các mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng cây trồng; giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm ô nhiễm môi trường do lạm dụng phân hoá học./.

Tin, ảnh: PHAN DŨNG