Trong quá trình củng cố, nâng chất, thành lập mới hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) quan tâm đổi mới phương thức và hình thức hoạt động của các HTX, THT theo hướng hiện đại, hiệu quả, xóa bỏ tư duy bao cấp, lạc hậu…
Năm 2023, trên địa bàn huyện thành lập thêm HTX dịch vụ chăn nuôi dê xã Phú Long, với 8 thành viên. Mô hình này phát triển từ năm 2014, chủ yếu chọn giống dê boer nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Nhờ hiệu quả kinh tế, tận dụng được thời gian và lao động nông nhàn, mô hình mở rộng ra nhiều hộ, tổng đàn 300 – 500 con. Các hộ chăn nuôi dê bán thịt và con giống, thị trường tiêu thụ rộng.
Anh Trần Văn Giang (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX) cho biết, HTX có tổng vốn điều lệ 100 triệu đồng, chủ yếu cung cấp dê giống, thức ăn cho dê và thu mua dê thịt. HTX được thành lập trên cơ sở THT chăn nuôi do hội nông dân vận động. Thời gian qua, các hộ giúp nhau chăn nuôi ổn định, tiếp cận các nguồn vốn, hình thành chuỗi liên kết, đảm bảo thị trường tiêu thụ cho nông dân. Giai đoạn hiện nay, HTX chú trọng tái đầu tư, tạo nguồn kinh phí bền vững để ngày càng phát triển.
Theo kế hoạch hoàn thiện mô hình HTX kiểu mới của tỉnh tham gia đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 – 2025”, HTX nông nghiệp Chợ Vàm (thị trấn Chợ Vàm) là một trong những đơn vị được lựa chọn với mô hình HTX vừa sản xuất, vừa tham gia thị trường (sàn giao dịch nông sản).
HTX chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 cách đây hơn 7 năm, đồng thời có sự chuyển mình trong sản xuất từ truyền thống sang canh tác bền vững theo quy mô cánh đồng lớn. Các thành viên HTX đã thay đổi tư duy, tổ chức canh tác, quản lý nguồn nước, giảm phân bón nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuân thủ theo những nguyên tắc khoa học chính là cách HTX thu hút được doanh nghiệp (DN) vào liên kết bao tiêu và hỗ trợ sản xuất nhằm ổn định về giá cả, sản lượng cho bà con. Hiện, HTX có các dịch vụ chính, như: Bơm tưới, bơm tiêu, nạo vét cơ giới, tín dụng nội bộ, nước sinh hoạt, cuốn rơm, cung ứng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…
Đến nay, toàn huyện Phú Tân có 21 HTX nông nghiệp đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012, tổng số 2.663 thành viên. Trong đó, 10 HTX thực hiện dịch vụ chính là tưới – tiêu, hiện đang phục vụ 19.528ha, chiếm 81,86% diện tích sản xuất, giải quyết việc làm cho 466 lao động tại địa phương. Có 11/21 HTX tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ lúa nếp, rau màu với DN (đạt 183% kế hoạch). Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã cử 9 nhân sự tham gia vào 9 HTX, trong đó tham gia chức vụ phó giám đốc tại 5 HTX.
Bên cạnh đó, huyện có 145 THT, với 1.462 thành viên; 100% THT có hợp đồng hợp tác, phương án sản xuất – kinh doanh. Một số THT thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, như: Trồng dưa lưới trên nhà màng, công nghệ tưới trên cây ăn trái… Hoạt động chủ yếu của các THT là giúp nhau vay vốn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho thành viên và nông dân, hướng dẫn sản xuất theo nhu cầu thị trường… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.
Theo đánh giá của UBND huyện Phú Tân, nội lực HTX nhìn chung hiện nay còn yếu, quy mô dịch vụ nhỏ, thiếu ổn định, năng lực cạnh tranh thấp. Hầu hết các HTX, THT mới chủ yếu làm các dịch vụ, hỗ trợ đầu vào cho quá trình sản xuất (cung cấp giống, vật tư nông nghiệp), chưa có nhiều HTX, THT làm dịch vụ, hỗ trợ đầu tư cho quá trình sản xuất (thu gom, bán sản phẩm). Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các HTX với DN trong sản xuất chưa nhiều và chưa ổn định. Các hình thức liên kết còn ở quy mô nhỏ, các vấn đề liên quan đến tuân thủ hợp đồng liên kết – tiêu thụ chưa được thực hiện nghiêm túc…
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo nhận định, đội ngũ quản lý HTX, THT hiện nay nhìn chung còn hạn chế về trình độ quản trị, quản lý tài chính… Mặt khác, việc thành lập mới HTX hiện nay còn chậm (1/4 HTX theo chỉ tiêu 2023) do phải trải qua quá trình tuyên truyền, vận động, đáp ứng nhu cầu thực tế của thành viên trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo theo Luật HTX năm 2012. Huyện còn quan tâm đến yêu cầu phải đủ điều kiện khi phát triển mới HTX, tránh tình trạng thành lập mà hoạt động không hiệu quả hoặc không hoạt động được.
Từ nay đến cuối năm, huyện Phú Tân phấn đấu thành lập thêm 3 HTX nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Huyện phấn đấu có trên 30% số HTX tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ lúa nếp, rau màu với DN hoặc có DN tham gia vào tổ chức và hoạt động của HTX.
Trong đó, hỗ trợ tối thiểu 3 HTX liên kết bền vững với DN, có khả năng nhân rộng. Riêng HTX Phú Thạnh đang được khuyến khích duy trì sản xuất dưa lưới trong nhà màng và hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đối với nếp. Cùng với đó, huyện sẽ thành lập thêm 19 THT trong lĩnh vực nông nghiệp ở các xã, thị trấn. Đồng thời, tạo điều kiện nâng chất để phát triển ít nhất 5 THT lên HTX.
Theo Mỹ Hạnh – Báo An Giang (Việt Đức – Sưu tầm)
Link bài gốc: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-va-nang-chat-cac-hop-tac-xa-to-hop-tac-o-huyen-phu-tan-a378588.html