Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang phát huy vai trò gắn kết giữa Doanh nghiệp với hợp tác xã

Những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) tỉnh An Giang không ngừng được củng cố và phát triển, trọng tâm là các HTX nông nghiệp, trong liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Toàn tỉnh hiện có 290 HTX hoạt động trên 06 lĩnh vực: Nông nghiệp – Thủy sản: 221 HTX; Vận tải: 28 HTX; Tiểu thủ công nghiệp: 05 HTX; Thương mại, dịch vụ và du lịch: 11 HTX; Khai khoáng: 01 HTX; Quỹ tín dụng nhân dân: 24 Quỹ và 02 Liên hiệp HTX (Thoại Sơn và Tri Tôn). Tổng số thành viên: Thành viên HTX là 139.745 (bao gồm thành viên cá nhân và thành viên pháp nhân); Liên hiệp HTX có 19 thành viên là HTX nông nghiệp; tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX, Liên hiệp HTX là 6.303 người; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX, Liên hiệp HTX: 63 triệu đồng/năm; doanh thu bình quân của HTX, Liên hiệp HTX: 5.500 triệu đồng/năm.

Theo Luật Hợp tác xã năm 2023 được Quốc hội Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 20/6/2023 quy định về vai trò, trách nhiệm của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại Điều 110 và Điều 111 nêu rõ: Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là tổ chức đại diện của tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển KTTT”.

KTTT với nòng cốt là HTX có sự thay đổi cơ bản, bắt đầu chuyển sang hướng phục vụ phát triển kinh tế thành viên theo đúng nguyên tắc HTX thông qua việc mở rộng liên doanh, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; thể hiện rõ nét nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và đang lan tỏa dần sang các lĩnh vực khác. Trong đó, lợi ích về kinh tế đối với thành viên là động lực cho sự ra đời và phát triển của HTX; thực sự từng bước thực hiện vai trò hỗ trợ thúc đẩy kinh tế thành viên phát triển; tăng cường mối liên kết trong nội bộ HTX và giữa HTX với các doanh nghiệp khác. Nhờ HTX, sản xuất của kinh tế thành viên đã được nâng cao hiệu quả, tiết kiệm được chi phí sản xuất trên cơ sở được nhận thêm lợi ích phân phối từ HTX, thành viên cải thiện được thu nhập nói riêng và cải thiện đời sống nói chung. HTX được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhân sự quản trị HTX mới thành lập phần lớn có trình độ đại học, có liên kết với doanh nghiệp trong việc cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra; hoạt động HTX ngày càng hiệu quả hơn; vai trò HTX được thể hiện thông qua việc cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Các HTX tiếp tục hoạt động ổn định, phục vụ tốt cho thành viên và cộng đồng. Một số HTX nông nghiệp kiểu mới đã hình thành, thu hút thêm thành viên, vốn góp, người lao động; bảo đảm ổn định đầu vào, đầu ra cho thành viên. Đa số HTX hoạt động đều có lãi, chia lợi nhuận cho thành viên bình quân 1,5%/tháng, có tích lũy để mở rộng sản xuất, kinh doanh; các dịch vụ phục vụ cho thành viên HTX có giá thấp hơn các cơ sở tư nhân từ 05 – 20%; góp phần giải quyết lao động địa phương, bình quân 03 – 04 triệu đồng/lao động/tháng; đóng góp tích cực vào các chính sách an sinh xã hội; tham gia xây dựng nông thôn mới.

Việc liên kết chuỗi giá trị giữa các HTX nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập đã mang lại một kết quả như: Giải quyết một phần khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho thành viên và nông dân; tạo ra vùng nguyên liệu ổn định; giảm chi phí, tăng thu nhập do cơ giới hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật; doanh nghiệp bắt đầu chú ý đến việc tham gia liên kết, xây dựng và phát triển các HTX để tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định thông qua HTX; hưởng ưu đãi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp; tạo việc làm cho lao động nông thôn…

HTX nông nghiệp xác lập được vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm ở nông thôn, bảo đảm ổn định giá dịch vụ vật tư đầu vào, làm gia tăng giá trị cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ thành viên. Nhiều HTX hoạt động tín dụng nội bộ, hỗ trợ cung ứng vốn kịp thời cho hộ thành viên sản xuất, giải quyết khó khăn trong sinh hoạt, xóa tình trạng tín dụng đen trong nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

HTX phi nông nghiệp hoạt động kinh doanh tương đối ổn định mang lại nhiều lợi ích cho thành viên và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Nổ lực tìm kiếm thị trường, mạnh dạn đầu tư thiết bị, phương tiện để duy trì mở rộng sản xuất kinh doanh; các khoản đóng góp ngân sách Nhà nước hằng năm đều tăng, góp phần tham gia phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, với vai trò là tổ chức đại diện của các HTX, Liên hiệp HTX trên địa bàn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã có 06 hoạt động chính nhằm giúp các HTX ổn định sản xuất, kinh doanh.

Một là, tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết, hợp tác

Chủ động kết nối các HTX với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện để các HTX tiếp cận thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh như: Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long, Công ty Angimex, Công ty Quốc tế Gia, Công ty Nông Phát Đạt, Công ty cổ phần Quốc tế Âu Lạc, Công ty Cường Hùng Tiến, Công ty Nông nghiệp xanh Alfa , HTX nông nghiệp Vĩnh Cường (tỉnh Bạc Liêu)… nhằm tạo điều kiện cho HTX thúc đẩy sản xuất an toàn, nông nghiệp hữu cơ.

Phối hợp Ban Chính sách và Phát triển Hợp tác xã Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội thảo Đề án thí điểm thành lập và hoạt động Liên đoàn HTX lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự phát biểu ý kiến liên quan đến tình hình phát triển lĩnh vực lúa gạo, cơ hội và thách thức gắn với đề xuất thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo vùng ĐBSCL; vai trò của Liên đoàn HTX lúa gạo vùng ĐBSCL trong phát triển các HTX nông nghiệp chuyên ngành lúa gạo; cần quan tâm cơ cấu tổ chức bộ máy, trụ sở; cơ chế đặc thù cho Liên đoàn hoạt động; cần tổ chức thêm các Hội thảo tham vấn để kết hợp công tác tuyên truyền về ý nghĩa việc thành lập Liên đoàn; cần có cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp với Liên đoàn…

Hai là, Hỗ trợ về vốn phát triển sản xuất, kinh doanh: Đã phối hợp với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam chi nhánh An Giang triển khai các sản phẩm tín dụng, hỗ trợ các HTX và thành viên tiếp cận nguồn vốn.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Liên minh Hợp tác xã tỉnh An giang và Ngân hàng Hợp tác xã chi nhánh An Giang hỗ trợ tín dụng phục vụ sản xuất – kinh doanh cho HTX và thành viên

Ba là, Đào tạo, nâng cao năng lực: Tổ chức 33 lớp tập huấn, thu hút 1.157 lượt người tham dự nhằm tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến KTTT, HTX; các lớp tập huấn về chuyển đổi số, thương mại điện tử tại các huyện, thị xã, thành phố: Châu Phú, An Phú, Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên, Tân Châu và Long Xuyên.

Tập huấn và tuyên truyền xây dựng HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2023

Bốn là, Xúc tiến thương mại: Hỗ trợ các HTX tham gia hội chợ, triển lãm, xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu và sản phẩm thương mại, tìm kiếm đối tác kinh doanh. Điển hình, tham gia 02 hội chợ khu vực KTTT, HTX năm 2024 do hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức tại Thủ đô Hà Nội và TP. Đà Nẵng; bao gồm: gạo các loại, nếp, xoài, xoài sấy dẻo, đường thốt nốt các loại, các sản phẩm làm từ cây thốt nốt, khô cá tra phồng và các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh (các sản phẩm trưng bày tại Hội chợ đều đạt tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng và có chứng nhận). Tổ chức 08 lượt xúc tiến thương mại sản phẩm HTX tại các tỉnh: Kiên Giang, Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Phước, Bắc Giang, Bắc Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua hội chợ và xúc tiến thương mại đã tạo cơ hội tốt để HTX tạo mối quan hệ với các doanh nghiệp, các đối tác tiềm năng và học được những kinh nghiệm, mô hình kinh doanh, cũng như liên kết được một số thành viên từ các đơn vị khác về xúc tiến, trao đổi sản phẩm, góp phần làm nền tảng cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, cũng như dịch vụ đầu ra cho HTX.

Năm là, Hỗ trợ về hạ tầng và kỹ thuật: Hỗ trợ HTX thực hiện đầu tư hạ tầng, đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các dự án hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn. Cụ thể: Hỗ trợ 04 HTX thực hiện giai đoạn 2 đầu tư hạ tầng theo Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ: Phối hợp cùng các Sở, ngành đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 04 HTX nông nghiệp được lựa chọn tham gia Đề án (HTX nông nghiệp Tây Phú, Vĩnh Bình, Chợ Vàm, Sản xuất và tiêu thụ đường Thốt Nốt Nhơn Hưng) với tổng vốn đầu tư là 8.323 triệu đồng (ngân sách tỉnh 7.997 triệu đồng, vốn đối ứng của HTX 326 triệu đồng) từ nguồn ngân sách tỉnh đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT lựa chọn 24 HTX tham gia Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh An Giang.

Phối hợp Công ty Matsuyama triển khai thử nghiệm thiết bị làm đất, gieo hạt giống lúa

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động liên quan đến lĩnh vực KTTT, HTX trên địa bàn như: Liên đoàn HTX Raiffeisen Cộng hòa Liên Bang Đức – DGRV (Công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ quản trị HTX, cán bộ Liên minh HTX tỉnh); Công ty Matsuyama – Nhật Bản (Triển khai thử nghiệm thiết bị làm đất, gieo hạt giống lúa và dự án thí điểm đậu tương trên ruộng lúa); tổ chức AGRITERRA – Hà Lan (Công tác đào tạo, tư vấn kỹ thuật và tăng cường năng lực cho các HTX).

Sáu là, Đánh giá, giám sát và hỗ trợ quản trị: Thực hiện đánh giá, kiểm tra, giám sát và xếp loại 40/40 HTX (đạt tỷ lệ 100%); tư vấn kiểm toán nội bộ 29/25 HTX (đạt tỷ lệ 116%), nhằm hỗ trợ các HTX minh bạch tài chính và thực hiện tốt công tác tổ chức quản trị HTX.

Thông qua các hoạt động trên, đã góp phần quan trọng vào việc duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX; nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin của các HTX; mở rộng thị trường, tăng cường liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp; góp phần ổn định đời sống của các thành viên HTX, đảm bảo an sinh xã hội.

Tóm lại, trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang đã thể hiện vai trò tích cực trong việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm giúp các HTX, Liên hiệp, vượt qua khó khăn, phát triển bền vững./.

TRẦN VĂN CỨNG

Ủy viên Ban Thường vụ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang