Đặc sản đường thốt nốt – phát triển và bảo tồn

Nhắc đến An Giang du khách không thể bỏ qua cánh đồng cây thốt nốt vươn cao xen lẫn trên cánh đồng lúa trải dài ở hai huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, vẽ nên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp vô cùng bắt mắt, tạo ấn tượng đặc biệt với du khách khi đến vùng Bảy Núi. Nhìn từ trên cao du khách ngắm toàn cảnh thốt nốt và lúa vào mùa chín vàng, xa xa những ngọn núi cảnh sắc mênh mông, rực rỡ.

Bên cạnh đó, cây thốt nốt cũng mang lại nhiều giá trị kinh tế cho đồng bào dân tộc Khmer. Lá dùng để lợp nhà, vẽ tranh, sử dụng làm hàng rào trông rất đẹp mắt, thân thốt nốt già với độ cứng vừa phải, vân gỗ tự nhiên được sử dụng làm nguyên liệu cho thủ công mỹ nghệ, đồ dùng sinh hoạt gia đình rất được ưa chuộng, trái và nước thốt nốt (hay còn gọi là mật) làm nước giải khát rất thơm và ngon, đặc biệt mật thốt nốt thu hoạch từ hoa được người dân nấu thành những khối đường thốt nốt trở thành đặc sản độc đáo mang thương hiệu vùng Bảy Núi.

Cây thốt nốt là loại cây lâu năm, từ khi trồng đến khi cho trái thường mất khoảng 20 – 30 năm. Quá trình này khá dài do cây cần thời gian để phát triển bộ rễ vững chắc và thân cây đủ lớn để tạo ra hoa và trái. Khi cây lớn vươn cao trên 20m, tuổi thọ trên 100 năm, chịu khô hạn, ngập nước, ưa nắng. Cây non ban đầu sinh trưởng chậm, về sau mọc nhanh hơn.

Đường thốt nốt được tạo ra từ mật hoa thốt nốt trưởng thành. Mật thốt nốt sau khi thu hoạch sẽ được nấu cô đặc lại, tạo thành những khối đường có màu vàng nâu óng ánh, mang hương thơm đặc trưng và vị ngọt thanh dịu. Để có những khối đường thốt nốt chất lượng, người dân phải trải qua quá trình sản xuất vô cùng công phu. Sáng sớm, người dân leo lên cây thốt nốt cao hàng chục mét (sử dụng hai thanh tre kẹp đầu cuống hoa, theo kinh nghiệm làm vậy để kích thích hoa sẽ cho mật nhiều hơn) dùng dao cắt bỏ phần cuống hoa để mật chảy ra. Mật được hứng vào những ống tre hoặc bình nhựa đã cho một ít gỗ cây sến (sến được người dân thái mỏng từ rễ cây sến – cùng họ với cây sao đã phơi khô) giúp làm chậm thời gian lên men của mật thốt nốt. Mật thốt nốt sau khi thu hoạch sẽ được đem đi nấu ngay lập tức nhằm đảm bảo chất lượng của đường. Trong thời gian nấu, người thợ phải thường xuyên khuấy đều, hạn chế cháy khét. Quá trình nấu đòi hỏi sự kiên nhẫn và kinh nghiệm của người thợ nhằm đảm bảo giữ được hương vị tự nhiên. Đường thốt nốt có hai loại, loại đường chảy (đường nguyên chất) khi nấu đạt độ sánh như ý để nguội đóng gói trọng lượng 0,5kg hoặc 01kg; loại đường bánh sẽ được pha thêm đường cát theo tỷ lệ nhất định, người thợ sẽ đổ ra những khuôn gỗ hoặc khuôn tre để nguội và đông cứng lại. Sau đó đường được cắt thành từng khối nhỏ và đóng gói.

Đường thốt nốt không chỉ có vị ngọt tự nhiên mà còn được biết đến là một loại đường có nhiều giá trị dinh dưỡng hơn so với các loại đường tinh luyện khác. Nó chứa nhiều khoáng chất như: sắt, kali, magie và kẽm, cùng với một lượng lớn vitamin nhóm B. Với hương vị đặc trưng đường thốt nốt được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực Việt Nam. Cây thốt nốt không chỉ nổi tiếng với mật ngọt để nấu đường, mà còn có nhiều sản phẩm ra đời như: Rượu thốt nốt, thạch thốt nốt, bánh bò thốt nốt, nước màu thốt nốt…được hỗ trợ phát triển thành sản phẩm OCOP.

Từ lâu, cây thốt nốt gắn liền với đời sống của người dân tộc Khmer, nhiều làng nghề được hình thành, tập trung nhiều nhất ở các xã Tân Lợi, An Cư, An Hảo, Vĩnh Trung, Nhơn Hưng, An Phú… (thị xã Tịnh Biên), Núi Tô, Cô Tô, An Tức, Châu Lăng… (huyện Tri Tôn). Hiện nay, nghề nấu đường thốt nốt đã được phát triển mạnh, các sản phẩm được đông đảo người dân đón nhận mà còn xuất khẩu ra các nước như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… rất được ưa chuộng bởi hương vị độc đáo của nó. Nhờ đó mà người nấu đường thốt nốt có thu nhập ổn định, tạo được sinh kế cho đồng bào dân tộc, phát triển kinh tế địa phương, góp phần gìn giữ nghề truyền thống, nâng cao trách nhiệm bảo tồn và thúc đẩy phát triển văn hóa lâu đời. Bên cạnh đó, nghề nấu đường kết hợp với du lịch địa phương, giúp du khách có trải nghiệm, tham quan xem người dân thu hoạch mật thốt nốt và nấu đường truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Nhằm nâng cao sản vật từ cây thốt nốt, việc phát triển tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) đường thốt nốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, các THT, HTX vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn như: Quy mô sản xuất còn rời rạc, nhỏ lẻ, thiếu vốn, kỹ thuật chế biến thủ công và tìm kiếm thị trường ổn định. Để giải quyết vấn đề này, cần sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ. Việc xây dựng thương hiệu cho đường thốt nốt, liên kết các hộ cá thể sản xuất đường, kết nối với kênh phân phối hiện đại, đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế là những giải pháp cần thiết để phát triển bền vững các THT, HTX đường thốt nốt.

Ngày 21/02/2024, nghề làm đường thốt nốt của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.

Du khách có thể đến tham quan, mua sắm hoặc làm đại lý tiêu thụ đặc sản đường thốt nốt tại các địa chỉ như:

– HTX sản xuất và chế biến đường thốt nốt an toàn Tân Lợi (ấp Tân Long, xã Tân Lợi, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Số điện thoại: 0385.533.116 (Trương Công Đỉnh – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc).

– HTX sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt Nhơn Hưng (khóm Đông Hưng, phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Số điện thoại: 0974.557.959 (Nguyễn Văn Ảnh – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc).

– Công ty cổ phần Palmania (Số 25 Võ Thị Sáu, khóm 1, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Số điện thoại: 0907.309.878 (Chau Ngọc Dịu – Giám đốc).

 Bài, ảnh: HUY TRẦN