An Giang hành động thực hiện “tam nông”

Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với một tỉnh nông nghiệp, dân số nông thôn chiếm số đông như An Giang. Trong thực hiện “tam nông”, tỉnh xác định nông dân là trung tâm của quá trình phát triển, quyết tâm xây dựng thế hệ nông dân văn minh, nông thôn toàn diện, nông nghiệp hiện đại.

Phát huy vai trò nông dân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, trong triển khai thực hiện “tam nông” theo Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình hành động 23-CTr/TU, ngày 5/5/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh tập trung giải pháp nâng cao vị thế, vai trò, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.

Toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, chính sách an sinh xã hội, khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế; nâng cao nhận thức, kiến thức cho hội viên, nông dân sản xuất – kinh doanh (SXKD) giỏi về sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng; phát động và hỗ trợ nông dân tham gia phong trào nông dân khởi nghiệp.

Triển khai Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh đảm bảo hơn 1,2 triệu người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận các dịch vụ cấp nước được quản lý an toàn.

Triển khai Nghị quyết 01-NQ/TU, ngày 22/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh An Giang, phấn đấu đến năm 2025, trong số 90% dân số có điện thoại thông minh, hơn 60% người dân biết sử dụng để khai thác các ứng dụng nền tảng phục vụ SXKD.

Tỉnh thúc đẩy, khuyến khích nông dân tham gia các hoạt động ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; áp dụng các chương trình, phần mềm, thiết bị Internet vạn vật nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, đất đai), kiểm soát dịch bệnh, tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông thôn.

Hướng đến nền nông nghiệp xanh

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, định hướng của tỉnh là phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. An Giang đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của nông sản. Tỉnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới (NTM), nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Với ngành hàng chủ lực cây lúa, Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải vùng ĐBSCL được xem là cơ hội tốt để An Giang kết nối doanh nghiệp (DN) hợp tác triển khai xây dựng vùng nguyên liệu lớn, tạo ra sản phẩm an toàn; cải thiện môi trường, sức khỏe của người dân; tăng tính cạnh tranh và thương hiệu gạo An Giang. Dự kiến, tổng diện tích của tỉnh An Giang đăng ký tham gia đề án đến năm 2030 đạt 152.985ha; nông dân tham gia có lợi nhuận bình quân trên 35% so với giá thành sản xuất.

Trong chăn nuôi, với việc tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, An Giang phấn đấu đưa ngành chăn nuôi của tỉnh đạt tầm tiên tiến trong khu vực ĐBSCL vào năm 2030.

Trong khi đó, thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh nâng cấp, mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra thương phẩm theo hướng hoàn thiện liên kết chuỗi giá trị từ con giống, nuôi thương phẩm, chế biến, tiêu thụ; xây dựng chuỗi liên kết cá tra 3 cấp vùng ĐBSCL, đưa An Giang trở thành trung tâm cung ứng con giống cá tra chất lượng cao và các giống thủy sản khác của vùng.

Xây dựng nông thôn đáng sống

Quyết tâm xuyên suốt của tỉnh là đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, tạo ra một hệ thống đồng bộ và liên hoàn, có khả năng phát triển bền vững, liên kết các vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực sản xuất tập trung, các trung tâm hành chính và các cụm dân cư; đảm bảo liên thông hệ thống giao thông phát triển kinh tế – xã hội bền vững của tỉnh và chuyển dịch cơ cấu sản xuất phục vụ công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, rút ngắn khoảng cách nông thôn – thành thị.

Dự kiến đến năm 2027, tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1) sẽ hoàn thành. Tỉnh đẩy mạnh phong trào phát triển đường giao thông nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu là đạt tỷ lệ 100% các tuyến đường huyện được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê-tông; 100% các tuyến đường thôn, xóm được tráng nhựa hoặc bê-tông, tối thiểu chiều dày đạt quy mô đường cấp D; 100% các tuyến đường trục chính ra đồng được cứng hóa bằng bê-tông xi-măng, cấp phối đá dăm. Định hướng đến năm 2030, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông cơ bản hoàn thiện theo quy hoạch, đảm bảo kết nối thuận tiện, an toàn, thông suốt với các địa phương trong khu vực.

Trong xây dựng nông thôn, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đóng vai trò quan trọng. Tỉnh và các địa phương đang tập trung hỗ trợ các chủ thể kinh tế xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện kết nối sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề với phát triển du lịch nông thôn. Đồng thời, xây dựng NTM phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, nhất là các khu vực ven đô thị lớn, thị trấn, thị xã, từng bước đưa nông thôn tiệm cận về điều kiện hạ tầng, dịch vụ của đô thị, xây dựng khu vực nông thôn thật sự trở thành những miền quê đáng sống.

An Giang sẽ cụ thể hóa các quy định nhằm tạo điều kiện tập trung ruộng đất, ban hành khung pháp lý về quan hệ đất đai, kinh tế, dân sự để phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất giữa nông dân và DN hình thành những “Cánh đồng lớn”. Đồng thời, rà soát các chính sách hỗ trợ DN tạo quỹ đất sạch thực hiện các dự án nông nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh.

Ngô Chuẩn – Báo An Giang  (Ngọc Dựng – Sưu tầm)

Link bài gốc: https://baoangiang.com.vn/an-giang-hanh-dong-thuc-hien-tam-nong–a377606.html