Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/2/2022 của BCH Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Trong quá trình phát triển kinh tế tập thể (KTTT) mà nồng cốt là hợp tác xã (HTX) thì vai trò của khoa học công nghệ (KHCN) và chuyển đổi số (CĐS) là một trong những nhân tố cốt lõi, quan trọng, quyết định đến sự phát triển của khu vực này. Để thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW nêu trên, Chính phủ đã chủ động ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị” và Thủ tướng đã cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ bằng các văn bản chỉ đạo như: Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 về “Phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13/11/2020 về“Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 942/QĐ-TTg, ngày 15/6/2021 về “Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022 về “Ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”; Quyết định số 340/QĐ-TTg, ngày 12/3/2021 về “Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030”; Quyết định số 1318/QĐ-TTg, ngày 22/7/2021 về “Phê duyệt Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 919/QĐ-TTg, ngày 01/8/2022 về “Phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025” và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 03/6/2023 “về việc đẩy mạnh CĐS trong khu vực KTTT, HTX”.
Trong thời gian qua, việc ứng dụng KHCN và CĐS trong phát triển KTTT, HTX gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa tại tỉnh An Giang đã được các cấp ủy, các ngành, chính quyền các địa phương quan tâm, chỉ đạo và thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Song song đó, tỉnh An Giang đã thực hiện tốt những chỉ đạo của Trung ương về ứng dụng KHCN và CĐS trong lĩnh vực phát triển KTTT, HTX và UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương bằng Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND, ngày 22/7/2019 về “Quy định thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”; Quyết định số 2615/QĐ-UBND, ngày 11/11/2020 về “Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trên địa bàn tỉnh An Giang”; Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 23/3/2022 “Thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh An Giang về phát triển KTTT, HTX tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch số 54/KH-UBND, ngày 01/02/2023 về “Triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch số 351/KH-UBND ngày 05/4/2024 về “Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh An Giang năm 2024”; Kế hoạch số 453/KH-UBND ngày 07/5/2024 thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang năm 2024; Kế hoạch số 454 /KH-UBND ngày 07/5/2024 về triển khai xây dựng Đề án “Phát triển KTTT tỉnh An Giang giai đoạn 2025-2030” để thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh An Giang.
Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 3/2024, trên địa bàn Tỉnh có 288 HTX hoạt động trên 06 lĩnh vực: (1) Nông nghiệp-Thủy sản: 219 HTX; (2) Vận tải: 28 HTX; (3) Tiểu thủ công nghiệp: 05 HTX; (4) Thương mại, dịch vụ, du lịch: 11 HTX; (5) Khai khoáng: 01 HTX; (6) Quỹ tín dụng nhân dân: 24 Quỹ và 02 Liên hiệp HTX (Thoại Sơn và Tri Tôn) đang hoạt động ổn định. Tổng số cán bộ quản lý HTX là 1.792 người (trình độ cao đẳng và đại học là 513 người, chiếm 28,6%; sơ cấp và trung cấp là 1.279 người, chiếm 71,4%).
Tính đến cuối năm 2023, trên cả nước có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) và tỉnh An Giang có 37 HTX có ứng dụng KHCN và CĐS trong hoạt động quản lý, SXKD trong đó có 27 HTX có ứng dụng công nghệ cao trong SXKD lúa gạođểtham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa như: (1) Mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao; (2) Trồng dưa lưới trong nhà màng; (3) Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; (4) Trồng chanh bông tím ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm; (5) Kết hợp sử dụng điều khiển quy trình canh tác nông nghiệp qua thiết bị số thông minh (smartphone, máy tính bảng); (6) Nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP; (7) Hệ thống tưới sử dụng pin năng lượng mặt Trời,…
Bên cạnh đó, tính đến 3/2024, trên địa bàn Tỉnh có 125 sản phẩm đạt Chứng nhận OCOP của các công ty, HTX, hộ/cơ sở SXKD khi ứng dụng KHCN và CĐS như:2 sản phẩm đạt 5 Sao, 14 sản phẩm đạt 4 Sao, 109 sản phẩm đạt 3 Sao của 86 chủ thể kinh tế (gồm 1 Tổ hợp tác, 7 HTX, 23 doanh nghiệp và 55 cơ sở SXKD). Trong số 125 sản phẩm đạt OCOP của 86 chủ thể kinh tếnêu trên chỉ có 7 chủ thể là HTX (chiếm 8,1%) như: Nhãn Xuồng của HTX Thương mại – Dịch vụ – Du lịch – Nông nghiệp Khánh Hòa (Châu Phú); Khô ếch một nắng của HTX Thương mại – Dịch vụ – Chăn nuôi Ếch Khánh Hoà (Châu Phú); Xoài Keo của HTX nông nghiệp Long Bình (An Phú); Sà rông của HTX Dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo (Tịnh Biên); Nước Ép xoài của HTX Sản xuất – Kinh doanh – Dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới (Chợ Mới),…
Thực trạng thời gian qua cho thấy, bức tranh về ứng dụng KHCN và CĐS trong khu vực KTTT, HTX còn hạn chế do nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân cốt lõi là “nhận thức, chất lượng nguồn nhân lực làm quản lý của HTX chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và đây là nguyên nhân mang tính quyết định sự thành bại của HTX”. Điều này đòi hỏi, đặt ra cho Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Giám đốc (BGĐ) HTX phải có tầm nhìn chiến lược, có hướng đi mới, phải thay đổi căn bản, toàn diện và quyết tâm ứng dụng KHCN và CĐS vào mọi hoạt động quản lý, SXKD của HTX và xem đây là nhu cầu “cấp thiết, tất yếu, quyết định” trong quá trình phát triển bền vững HTX. Muốn đạt được kết quả trên thì HĐQT, BGĐ HTX cần phải “hiểu biết và vận dụng” các nội dung sau đây vào mọi hoạt động của HTX:
Một là, chuyển đổi số: Là quá trình chuyển đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức, cộng đồng về cách thức sống, làm việc, SXKD dựa trên các công nghệ số. Các kỹ thuật số, công nghệ số được ứng dụng trong CĐS như Big Data (BD)-Dữ liệu lớn, Cloud Computing (CC)-Điện toán đám mây, Internet of Things (IoT)-Internet vạn vật, Artificial Intelligence (AI)-Trí tuệ nhân tạo,… vào tất cả hoạt động quản lý, SXKD qua đó làm thay đổi tư duy, cách thức tổ chức tập hợp con người, dữ liệu, quy trình để tạo những giá trị mới trong quản lý, SXKD từ truyền thống sang hiện đại, thông minh.
Hai là, nâng cao năng suất, tiết kiệm nguồn lực: CĐS cho khu vực KTTT, HTX giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong SXKD. Việc ứng dụng các công nghệ như: AI, Big Data, Biotechnology (Công nghệ sinh học), IoT,… đã giúp phân tích dữ liệu về môi trường, loại đất, cây trồng và các giai đoạn trưởng thành của cây trồng, vật nuôi. Khi ứng dụng KHCN và CĐS vào sản xuất nông nghiệp đã giảm 40-50% chi phí và công lao động, giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, năng suất tăng 30% và giúp nâng cao thu nhập cho người trực tiếp sản xuất.
Ba là, quản lý đồng bộ dễ dàng: Việc CĐS cho khu vực KTTT, HTX giúp cho việc quản lý và điều hành của HTX hiệu quả hơn. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, việc ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa trong điều hành, quản lý sẽ giúp đề ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn nhờ hệ thống thông tin báo cáo kịp thời, tăng hiệu quả quản lý và hiệu quả hoạt động. Vì vậy, CĐS cho khu vực KTTT, HTX là tạo môi trường, lấy “hệ sinh thái nông nghiệp số” làm nền tảng, xây dựng thể chế, thúc đẩy chuyển đổi suy nghĩ, tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp, kinh tế số” với mục tiêu cuối cùng là phát triển hiệu quả, bền vững KTTT, HTX.
Bên cạnh đó, thực tiễn hoạt động của khu vực KTTT, HTX trong thời gian qua cho thấy việc ứng dụng KHCN và CĐS tuy được HĐQT, BGĐ HTX quan tâm, đầu tư, triển khai và đã đạt được những kết quả nhất định, rất đáng khích lệ nhưng khu vực này vẫn còn những tồn tại, hạn chế sau đây:
Thứ nhất, nhận thức về ứng dụng KHCN, CĐS còn hạn chế: Việc ứng dụng KHCN, CĐS trong quản lý, SXKD ở Việt Nam nói chung và tại An Giang nói riêng còn khá mới nên nhận thức của một bộ phận cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp, HTX mà đặc biệt là “người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp” còn hạn chế, chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng và sức ép của việc ứng dụng KHCN, CĐS trong SXKD.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng về CĐS còn nhiều bất cập: Việc thực hiện CĐS trong khu vực KTTT, HTX đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng, hệ thống dữ liệu được số hóa đồng bộ, nhưng hiện tại chưa có cơ sở dữ liệu lớn phục vụ sản xuất, thiếu minh bạch về nguồn gốc sản phẩm và thiếu kết nối chia sẻ thông tin của các giai đoạn: Sản xuất, quản lý, logistics, thương mại,… Do đó, việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý SXKD của HTX gặp nhiều khó khăn và việc ứng dụng công nghệ thông tin của HTX phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu CĐS đây là “rào cản, là trở ngại lớn” cho việc ứng dụng KHCN và CĐS cho KTTT, HTX.
Thứ ba, chất lượng nguồn nhân lực về CĐS còn thiếu và yếu: Trong nông nghiệp số, ngoài tư liệu sản xuất truyền thống, người nông dân còn phải sử dụng dữ liệu và công nghệ số. Vì vậy, ngoài kỹ năng sản xuất, nông dân phải biết thêm kỹ năng về quản lý, kinh doanh, công nghệ, kỹ thuật số,… nhưng số lượng người trực tiếp SXKD biết những kỹ năng này rất ít (tính đến 3/2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 26,4%, theo Tổng Cục thống kê Việt Nam cho biết). Ngoài ra, hầu hết thành viên HĐQT, BGĐ, cán bộ kỹ thuật, thành viên HTX chưa được đào tạo bài bản về CĐS nên khó thao tác, khai thác, ứng dụng công nghệ số, đánh giá hiệu quả khi tham gia CĐS đây là “trở ngại lớn nhất” cho CĐS cho khu vực KTTT, HTX.
Thứ tư, chính sách về CĐS chưa phù hợp: Chính sách CĐS cho khu vực KTTT, HTX chưa kịp thời, phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra. Mặt khác, chưa có nhiều chính sách khuyến khích giao dịch điện tử về tiếp cận khách hàng quốc tế và bảo vệ rủi ro trong giao dịch điện tử của HTX khi tham gia. Thực tiễn cho thấy, việc ứng dụng KHCN và CĐS cho khu vực KTTT, HTX tuy đã được HĐQT, BGĐ HTX quan tâm, đẩy mạnh ứng dụng nhưng vẫn còn manh mún, cục bộ, chưa đồng bộ. HĐQT, BGĐ HTX và “nông dân – người trực tiếp sản xuất” phải sẵn sàng thay đổi tư duy, cách tiếp cận với KHCN và CĐS cho HTX trong SXKD.
Qua phân tích những thực trạng, cơ hội, tồn tại, hạn chế của ứng dụng KHCN và CĐS cho khu vực KTTT, HTX nêu trên, để đẩy mạnh ứng dụng KHCN và CĐS cho HTX trong giai đoạn hiện tại và những năm tiếp theo thiết nghĩ cần quan tâm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp sau đây:
Một là, cần thay đổi nhận thức, tư duy về CĐS trong khu vực KTTT, HTX: Cần đẩy mạnh tuyên truyền để dần dần thay đổi nhận thức, tư duy về CĐS trong hoạt động quản lý nhà nước về KTTT, HTX trong bối cảnh nền kinh tế số, coi đây là nhiệm vụ trong tâm, là nhân tố cốt lõi gắn với đổi mới quản lý và phương thức hoạt động của mô hình kinh tế này.
Hai là, xây dựng, hoàn thiện thể chế về CĐS cho khu vực KTTT, HTX: Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tầm nhìn dài hạn để KTTT, HTX phát triển nhanh, bền vững và hội nhập với khu vực và thế giới.
Ba là, có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng KHCN và CĐS cho khu vực KTTT, HTX: Cần xây dựng mới, sửa đổi các chính sách hiện có mà chưa phù hợp để hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng KHCN và CĐS, mở rộng thị trường cho khu vực KTTT, HTX bảo đảm thống nhất, đồng bộ như xây dựng các chương trình, đề án, dự án về CĐS để hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và đội ngũ tư vấn giúp các HTX thực hiện CĐS trong giai đoạn hiện tại và những năm tiếp theo.
Bốn là, kiến tạo, định hướng, hỗ trợ phát triển cho khu vực KTTT, HTX: Đề xuấtUBND tỉnh, các địa phương, ngành nông nghiệp, Liên minh HTX tỉnh cần tập trung chỉ đạo, đề ra định hướng, triển khai cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển tại địa phương. Lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển knh tế – xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện có ở địa phương để thúc đẩy CĐS cho khu vực KTTT, HTX và mô hình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) hiệu quả nhất.
Năm là, phát huy vị trí, vai trò, năng lực, tính tự chủ của tổ chức kinh tế trong khu vực KTTT, HTX: HTX với tư cách là các tổ chức kinh tế tự chủ, phải chủ động thực hiện điều chỉnh phương thức hoạt động SXKD ứng dụng KHCN và CĐS mạnh mẽ để tồn tại và phát triển. Nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kỹ thuật số, công nghệ số để thực hiện quá trình CĐS phù hợp; tăng cường học hỏi kinh nghiệm quý, bài học hay, mô hình CĐS hiệu quả từ các HTX trong nước và quốc tế để góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.
Sáu là, hệ thống Liên minh HTX cần tiếp tục đổi mới hoạt động để tư vấn, hỗ trợ cho khu vực KTTT, HTX: Liên minh HTX tỉnh cần tiếp tục đổi mới phương thức, hoạt động, thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với khu vực KTTT, HTX; bám sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, nhu cầu của HTX để phản ánh đến các cấp có thẩm quyền. Về thúc đẩy CĐS trong khu vực KTTT, HTX thì Liên minh HTX tỉnh, các cấp, các nhành có liên quan phải vào cuộc sâu hơn, khảo sát và tư vấn phương án CĐS phù hợp cho các HTX; hướng dẫn các thủ tục để giúp các HTX tăng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đặc biệt là chính về tín dụng, tài chính để giúp HTX có thêm nguồn lực thực thực hiện công tác CĐS hiệu quả.
Bảy là, cần thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, xử lý các vấn đề vướng mắc, phát sinh để hỗ trợ cho khu vực KTTT, HTX: Các cơ quan chức năng, Liên minh HTX tỉnh, các ngành, địa phương cần quan tâm, đầu tư, làm tốt công tác truyền thông chính sách về khu vực KTTT, HTX để hỗ trợ, giúp HTX tiếp cận được các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KTTT, HTX; chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, phối hợp chặt chẽ, kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc, phát sinh để hỗ trợ khu vực KTTT, HTX phát triển và thực hiện công tác CĐS thành công, bền vững.
TÓM LẠI: Muốn đẩy mạnh ứng dụng KHCN và CĐS để nâng cao hiệu suất cho HTX trong SXKD tại An Giang cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên và nên “làm ngay, làm từng bước, chắc chắn”. Khi ứng dụng KHCN và CĐS cho HTX là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu “Người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, chi phí thấp nhất, bán giá cao nhất”. Việc ứng dụng KNCH và CĐS cho khu vực KTTT, HTX không chỉ là ứng dụng khoa học, công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là để giúp người nông dân, HTX tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, “sẵn lòng thay đổi” để hoà nhịp xu thế phát triển của khu vực và quốc tế. Mặt khác, việc “nâng cao nhận thức, hành động cụ thể, từng bước và chắc chắn” là khâu then chốt, quyết định sự thành công của việc ứng dụng KHCN và CĐS cho khu vực KTTT, HTX nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới và Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng về việc đẩy mạnh CĐS trong khu vực KTTT, HTX tại An Giang trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Tiến sĩ Đào Thanh Hoàng,
Phó Bí thư Đảng đoàn,
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang.