An Giang: Phấn đấu đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có thêm từ 40 – 50 sản phẩm đánh giá, phân hạng “Sản phẩm OCOP” đạt từ 3 sao trở lên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký ban hành Kế hoạch số 363/KH-UBND ngày 15/5/2023 về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang. Hoàn thiện quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025 và cụ thể các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP; phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu các địa phương, đặc biệt là các đặc sản, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, nhãn hiệu, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, tạo cầu nối, liên kết, quảng bá và xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các chủ thể kinh tế tiếp cận với các kênh bán hàng, các sàn giao dịch điện tử, trang thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) nhằm tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP.

Phấn đấu đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có thêm từ 40 – 50 sản phẩm đánh giá, phân hạng “Sản phẩm OCOP” đạt từ 3 sao trở lên, có ít nhất 10 sản phẩm được đánh giá, phân hạng “Sản phẩm OCOP” từ 4 sao trở lên (mỗi huyện/thị xã/thành phố có ít nhất từ 01 – 02 sản phẩm đề xuất đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh). Thực hiện rà soát các sản phẩm OCOP tham gia đánh giá, phân hạng lại sau khi hết 36 tháng (trong năm 2023), có ít nhất 05 sản phẩm đề xuất đánh giá nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và có ít nhất 01 sản phẩm đạt OCOP 5 sao.

Thực hiện chuyển đổi số góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách Chương trình OCOP; đặc biệt là năng lực quản lý, hoạt động của các chủ thể tham gia vào Chương trình OCOP nhằm số hóa sản phẩm hướng đến xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.

Để đạt các mục tiêu trên, tỉnh An Giang sẽ đa dạng các hoạt động truyền thông, tuyên truyền triển khai thực hiện thường xuyên về Chương trình OCOP bằng nhiều hình thức, lồng ghép với hoạt động truyền thông trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tổ chức các lớp đào tạo tập huấn lồng ghép nội dung tuyên truyền; thông qua tổ chức các hội nghị triển khai, hội thảo khoa học.

Các sở, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan truyền thông, các tổ chức liên quan cần khai thác tốt các trang thông tin điện tử của đơn vị để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP đến các tầng lớp nhân dân và các hộ sản xuất kinh doanh về lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn, từ đó nâng cao nhận thức, tạo sự lan toả, đồng thuận và chủ động tham gia vào Chương trình OCOP.

Tiếp tục kế thừa, kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình OCOP các cấp đảm bảo đồng bộ, thống nhất về vị trí, chức năng, nhiệm vụ; xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình OCOP; nâng cao năng lực cho cán bộ, hệ thống triển khai Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở gắn với bộ tài liệu, tập huấn của Chương trình phù hợp với từng đối tượng, nhu cầu thực tiễn và bám sát vào hướng dẫn của Trung ương.

Xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển, hoàn thiện, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP, đặc biệt là ứng dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xác lập và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; đăng ký chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng
cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tiếp nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm của các chủ thể có sản phẩm tiềm năng OCOP để hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện và tham gia đánh giá, phân hạng trong năm 2023.

Nghiên cứu triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ về ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP trên cơ sở đề xuất của tổ chức, cá nhân (trong đó, ưu tiên đến các công nghệ bảo quản, chế biến, đa dạng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh).

Hướng dẫn, tư vấn, kiểm tra các đơn vị sản xuất sử dụng, khai thác thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ; tư vấn hướng dẫn khai thác và phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP…

NGỌC DỰNG

Nguồn: Kế hoạch số 363/KH-UBND ngày 15/5/2023