Tái cơ cấu nền kinh tế là một nội dung lớn, quan trọng đối với An Giang, nhất là khi tỉnh đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh, bền vững, trong bối cảnh thế giới và trong nước thay đổi sâu sắc sau dịch bệnh COVID-19.
Thực trạng cơ cấu lại kinh tế
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, giai đoạn 2021 – 2023, tình hình kinh tế – xã hội (KTXH) của tỉnh trải qua nhiều khó khăn với các sự kiện chưa từng có tiền lệ, tạo ra những thách thức lớn trong chỉ đạo, điều hành. Đại dịch COVID-19 bùng phát, kinh tế toàn cầu suy thoái, khiến tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 chỉ đạt 0,95%. Song, An Giang vẫn là một trong các tỉnh có nền kinh tế tăng trưởng dương.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 6,87%; 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,5%, cả năm ước đạt 7,5%. Qua đó, cho thấy nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong đẩy mạnh các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế, đem lại đời sống sinh hoạt, sản xuất – kinh doanh bình thường cho người dân.
“Dưới sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ, tập trung thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển KTXH”. Các chính sách, giải pháp của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân vượt qua khó khăn sau đại dịch. KTXH An Giang khởi sắc, tăng trưởng vững chắc qua từng năm, tạo khí thế mới, động lực mới trong tăng trưởng và phát triển. Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng được ban hành và triển khai hiệu quả, tác động tích cực đến sự phát triển của tỉnh” – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết.
Ước tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 – 2023 của tỉnh đạt 5,08%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 2,55%, khu vực công nghiệp và xây dựng 8,51%, khu vực dịch vụ 6,38%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 35,95%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 14,93%; khu vực dịch vụ chiếm 45,58%. Ước đến cuối năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 33,99%; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,9%; khu vực dịch vụ 45,7%…
GRDP bình quân đầu người tăng qua: Năm 2021, đạt 48,905 triệu đồng/người/năm; năm 2022, đạt 53,907 triệu đồng/người/năm và năm 2023, ước đạt 61 triệu đồng/người/năm. Giai đoạn 2021 – 2023, tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn ước đạt 22.055 tỷ đồng (đạt 53% so chỉ tiêu nghị quyết đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025); tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 46.942 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 98.168 tỷ đồng (đạt 60% kế hoạch); kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 3,4 tỷ USD (đạt 66% so kế hoạch). Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế khoảng 904.000 người, lao động đang làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 23,76%; khu vực dịch vụ 46,69%.
Kiến tạo động lực tăng trưởng
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và cả nước tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra và các nhiệm vụ của địa phương tại Nghị quyết 54/NQ-CP, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến về chất. Tạo động lực tăng trưởng kinh tế mới, thông qua đẩy nhanh tháo gỡ các rào cản, nút thắt cho phát triển của tỉnh. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, để tạo nền tảng phát triển du lịch (DL), thương mại và dịch vụ.
Đồng thời, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho DN và nhà đầu tư. Chủ động hợp tác, liên kết vùng, phát huy thế mạnh của tỉnh. Ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất và chế biến. Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Để thực hiện các mục tiêu, định hướng đề ra, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản An Giang. Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
Thực hiện hiệu quả Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Tiếp tục hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì, thực hiện truy xuất nguồn gốc, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng. Tái cơ cấu ngành công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản công nghệ cao, năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm. Phát huy mạnh mẽ thế mạnh về thương mại, dịch vụ và DL. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và có lộ trình phát triển kinh tế số. Phát triển các trung tâm tập kết trung chuyển hàng hóa, các loại hình dịch vụ logistics. Thường xuyên rà soát, cập nhật các quy định hiện hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu… Cùng với tăng trưởng kinh tế là cải thiện trong đời sống của người dân và sự ổn định chính trị và xã hội.
Theo Thu Thảo – Báo An Giang (Ngọc Dựng – Sưu tầm)
Link bài gốc: https://baoangiang.com.vn/an-giang-tai-co-cau-nen-kinh-te-huong-den-phat-trien-ben-vung-a369554.html