An Giang tập trung cho nhiệm vụ năm 2021

Tốc độ tăng trưởng 5,79% trong 6 tháng đầu năm 2021 được xem là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh còn nhiều khó khăn (cùng kỳ 2020, tăng trưởng đạt 2,12%). Để đạt mức tăng trưởng cả năm 2021 (tăng từ 6-6,5%), toàn tỉnh An Giang cần phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn và hành động quyết liệt hơn.

Dấu ấn nông nghiệp

Khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát tốt thời điểm cuối năm 2020, An Giang xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2021 theo hướng phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 trong nước (từ ngày 27-4-2021) với tốc độ lây lan nhanh, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến tỉnh. Thêm vào đó là thời tiết cực đoan, tình trạng sạt lở bờ sông thường xuyên diễn ra, tạo nên nhiều thách thức cho phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) của An Giang. Tuy nhiên, dưới sự tập trung chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, ngành, tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 của An Giang tiếp tục phát triển ổn định và tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng 5,79% được xem là rất khả quan trong tình hình dịch bệnh như hiện nay (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,12%).

Kinh tế An Giang tăng trưởng khá trong bối cảnh khó khăn

Trong đó, nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò “bệ đỡ” quan trọng khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) có mức tăng 5,69% (cùng kỳ tăng 2,66%). Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh được hơn 252.000ha, chủ yếu là lúa (gần 234.000ha), hoa màu ít hơn (17.900ha). Tình hình sản xuất thuận lợi, nông dân “trúng mùa, trúng giá” (năng suất bình quân 76,78 tạ/ha, tăng 7,96 tạ/ha so cùng kỳ; sản lượng lúa đạt hơn 1,8 triệu tấn, tăng hơn 138.000 tấn; giá bán duy trì mức cao). Trong khi đó, sản lượng thu hoạch của các loại cây lâu năm tăng 1.200ha so cùng kỳ (có 14.000ha đang cho thu hoạch trong tổng diện tích hơn 19.000ha); tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và sản lượng thủy sản tăng khá.

Khởi sắc nhiều lĩnh vực

Đối với khu vực công nghiệp – xây dựng (khu vực II), tốc độ tăng trưởng tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ 2020 (đạt mức tăng 7,31%, cùng kỳ tăng 8,08%) nhưng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn đạt ở mức tăng khá. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất ngành công nghiệp (theo giá so sánh) đạt 17.262 tỷ đồng, tăng 7,26% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng điện năng lượng mặt trời là điểm sáng cho kinh tế của tỉnh. Nhà máy Văn Giáo và Tập đoàn Sao Mai hoạt động ổn định (sản lượng 35 triệu kWh/tháng), các hình thức sử dụng điện mặt trời áp mái tăng mạnh đã kéo sản lượng điện mặt trời 6 tháng qua đạt 265 triệu kWh (tăng 70,11% so cùng kỳ).

Đối với khu vực dịch vụ (khu vực III), mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,02% so cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng khi cùng kỳ 2020, tăng trưởng khu vực này đạt âm (giảm 0,3%). Tổng mức bán sỉ, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt 77.304 tỷ đồng, tăng 8,28% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán sỉ, bán lẻ hàng hóa đạt 65.136 tỷ đồng (tăng 8,44%), riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 30.947 tỷ đồng (tăng 9,96%); doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ tiêu dùng khác đạt 12.168 tỷ đồng, tăng 7,4%.

Sở Công thương cho biết, tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa những tháng đầu năm 2021 tương đối khả quan. Một số mặt hàng chủ lực của tỉnh, như: gạo, thủy sản, rau quả, may mặc… đều có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ. Ước kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 546 triệu USD (tăng 3,94% so cùng kỳ). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 462 triệu USD (tăng 3,27%) và kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 84 triệu USD (tăng 7,74%).

Dự báo điều kiện thời tiết không thuận lợi tại nhiều nơi trên thế giới nên sản lượng lương thực giảm ở nhiều quốc gia, từ đó nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ tăng trong năm 2021. Thị trường Châu Âu được dự báo sẽ sôi động hơn khi Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực và Việt Nam là đối tác thương mại gạo quan trọng. Trong khi đó, tình hình xuất khẩu thủy sản có nhiều tín hiệu khả quan hơn từ thị trường Châu Âu và thị trường Hoa Kỳ những tháng cuối năm 2021.

Tập trung nhiệm vụ

Năm 2021, tỉnh đề ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm tăng 6-6,5%, trong đó khu vực I tăng 2,8-2,82%; khu vực II tăng 8,34-8,87%; khu vực III tăng 8,03-8,95%. Để đạt mục tiêu cả năm, ước 6 tháng cuối năm, tốc tốc độ tăng trưởng kinh tế phải tăng khoảng 6,21-7,21%, trong đó khu vực I tăng khoảng 1,12-1,17%; khu vực II tăng 9,37-10,43%; khu vực III tăng 11,04-12,88% so cùng kỳ. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP, ngày 29-6-2021, tỉnh quán triệt quan điểm phải nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; đồng thời phải đánh giá đúng tình hình để xác định các nhiệm vụ, giải pháp; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển KTXH năm 2021.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa An Giang đạt mức cao

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm vẫn là tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kiên định tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch bệnh và phục hồi sản xuất – kinh doanh (SXKD). An Giang bảo đảm “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế; duy trì SXKD để có nguồn lực phòng, chống dịch bệnh, phục vụ nhân dân. Toàn tỉnh triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo công thức “ý thức + “6K” (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tập trung – khai báo y tế – kiểm soát) + vaccine + công nghệ + chế tài”.

Trong thời điểm hiện nay, toàn ngành y tế nói riêng và toàn thể các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội của tỉnh nói chung tập trung cho công tác khoanh vùng, kiểm soát, dập dịch các ổ dịch trong cộng đồng nhằm sớm ổn định tình hình, tạo cơ sở để khôi phục SXKD và lưu thông hàng hóa.

UBND tỉnh điều hành linh hoạt tình hình phát triển KTXH của tỉnh trong điều kiện dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022

Theo NGÔ CHUẨN/ Báo An Giang (Việt Đức – Sưu tầm)

Link bài gốc: https://baoangiang.com.vn/an-giang-tap-trung-cho-nhiem-vu-nam-2021-a307252.html