Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo (ấp Srây Skốth, xã Văn Giáo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) được thành lập năm 2020 với 63 thành viên là phụ nữ người dân tộc, được tỉnh công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. HTX là một điểm sáng trong bức tranh văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số của tỉnh An Giang. Với những tấm thổ cẩm mang đậm bản sắc dân tộc Khmer, HTX không chỉ góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn tạo ra việc làm cho lao động địa phương, nhất là đối với chị em phụ nữ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, góp phần nâng cao đời sống của cộng đồng người dân tộc. Qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo vẫn giữ được nét độc đáo riêng, trở thành một biểu tượng văn hóa đặc trưng của người dân tộc Khmer.

HTX dệt thổ cẩm Văn Giáo nổi tiếng với những tấm vải thổ cẩm màu sắc rực rỡ, hoa văn đẹp mắt. Qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, những sợi bông, sợi tơ đã được biến hóa thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường. Năm 2023, sản phẩm dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, 2 nghệ nhân và 2 thợ giỏi.


Chị Neáng Chanh Đa Ty, Giám đốc HTX dệt Văn Giáo, cho biết: “Để tạo ra sản phẩm cần phải qua các công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu sợi. Sợi thường sử dụng sợi bông hoặc tơ tằm tự nhiên. Sợi bông được trồng và thu hoạch, sau đó qua nhiều công đoạn sơ chế để trở thành sợi dệt. Tơ tằm được lấy từ kén tằm và cũng trải qua quá trình xử lý tương tự. Màu nhuộm được chiết xuất từ các loại cây, củ, quả tự nhiên có sẵn trong vùng. Mỗi loại cây sẽ cho ra một màu sắc khác nhau, tạo nên bảng màu đa dạng cho sản phẩm cuối cùng. Nhuộm sợi được chia thành từng bó nhỏ và ngâm vào các vại nhuộm. Thời gian nhuộm và nhiệt độ sẽ quyết định độ đậm nhạt của màu sắc, sau khi nhuộm, sợi được phơi khô và sẵn sàng để dệt. Thiết kế hoa văn trên vải dệt của người Khmer thường mang ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng và cuộc sống hàng ngày, người thợ dệt sẽ phác thảo hoa văn trên giấy hoặc trực tiếp trên khung dệt. Khung dệt của người Khmer thường làm bằng gỗ, có cấu tạo đơn giản nhưng rất chắc chắn. Người thợ dệt sẽ luồn các sợi tơ dọc và sợi ngang vào khung dệt theo mẫu đã thiết kế, việc dệt đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Có nhiều kỹ thuật dệt khác nhau như dệt trơn, dệt đan, dệt thắt hoa, mỗi kỹ thuật tạo ra những loại vải với hoa văn và đặc tính khác nhau. Sau khi hoàn thành quá trình dệt, tấm vải sẽ được giặt sạch, hoàn thiện và sẵn sàng để may thành các sản phẩm như khăn, áo dài, xà rông…”.


Sản phẩm dệt của đồng bào dân tộc nổi bật với màu sắc tươi sáng, màu sắc chủ đạo là các màu tự nhiên như đỏ, xanh, vàng, tím. Hoa văn độc đáo thường mang ý nghĩa biểu tượng, gắn liền với cuộc sống và tín ngưỡng của người Khmer. Chất liệu tự nhiên vải dệt của đồng bào dân tộc Khmer thường mềm mại, thoáng mát và thân thiện với môi trường.


Hiện nay, các công đoạn của dệt đã thay đổi một phần, do xu hướng xã hội phát triển, đáp ứng nhu cầu của thị trường không còn nuôi tằm lấy tơ, mà phải nhập từ các địa phương khác, nhuộm cũng phải sử dụng công nghiệp nhưng vẫn giữ chất lượng của sản phẩm. Còn lại đều thao tác thủ công hoàn toàn, nhằm bảo tồn giá trị truyền thống của nghề dệt. “Sản phẩm của HTX dệt thổ cẩm Văn Giáo – gọi là Silk Khmer được tiêu thụ ở thị trường trong nước, phục vụ khách du lịch và xuất khẩu ra các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar… Sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp nên số lượng không kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các hoa văn, mẫu mã phải thiết kế thay đổi thường xuyên, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại nhằm bắt kịp xu hướng thời trang người tiêu dùng ngày càng khó tính nhưng vẫn phải giữ nét truyền thống của đồng bào dân tộc. Ngoài ra, HTX dệt theo yêu cầu sở thích của khách hàng. Ngoài tạo ra các sản phẩm độc đáo, HTX mở lớp truyền dạy kỹ thuật dệt lại cho các phụ nữ trong cộng đồng dân tộc thiểu số Khmer và dân tộc khác, nhằm lưu giữ nghề dệt thủ công có từ bao đời nay, quảng bá rộng rãi cho các dân tộc khác hiểu thêm về giá trị của nghề dệt thổ cẩm. Đến nay HTX phát triển trên 70 khung dệt, mỗi ngày người thợ có tay nghề có thể dệt được từ 0,5 – 1 mét vải, tùy vào từng loại. Đối với các loại vải có hoa văn phức tạp, đa sắc màu cần tốn rất nhiều thời gian để hoàn thành sản phẩm, với các loại khăn choàng mẫu mã đơn giản có thể dệt hơn 1m mỗi ngày, nhờ đó giúp phụ nữ có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế địa phương”, chị Neáng Chanh Đa Ty cho biết thêm.

Nghề dệt truyền thống của người Khmer đang đối mặt với nhiều khó khăn do sự cạnh tranh của hàng công nghiệp và sự thay đổi của thị hiếu người tiêu dùng. Để bảo tồn và phát huy nghề dệt này, cần có những nỗ lực, sự hỗ trợ của nhà nước nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện cho các nghệ nhân phát triển và quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng. Mỗi sản phẩm của HTX đều là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật truyền thống và sự sáng tạo hiện đại, HTX muốn gửi gắm những câu chuyện, những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Khmer trên từng sản phẩm ấy.
Thông tin cần liên hệ HTX dệt thổ cẩm Văn Giáo, chị Neáng Chanh Đa Ty – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc, số điện thoại 0343.531.001.
Bài, ảnh: HUY TRẦN