Hoạt động kinh tế không vì lợi nhuận của Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX), là thành phần kinh tế quan trọng, với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, có vai trò quan trọng về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội đối với đất nước. Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16-6-2022 (Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII) “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” đã củng cố quan điểm về vị trí, vai trò và đóng góp của KTTT: “Đóng góp về mặt kinh tế của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân là tỷ trọng đóng góp vào GDP, là hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của tổ chức, thu nhập của thành viên… Đóng góp về mặt xã hội của KTTT là số lượng thành viên, số lượng việc làm, việc đóng góp vào các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, phong trào thi đua, hoạt động nhân đạo từ thiện, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn” và “Phát triển KTTT là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là cơ sở để “hợp tác” trở thành văn hóa, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư”.

Số lượng và chất lượng các đơn vị của khu vực KTTT, nòng cốt là HTX không ngừng được tăng lên. Tính đến hết năm 2024, cả nước có trên 33.335 HTX với hơn 5,8 triệu thành viên; 152 liên hiệp HTX và 63.650 tổ hợp tác; lãi bình quân một HTX đạt 352 triệu đồng/HTX/năm (tăng hơn 93% so với năm 2013); thu nhập bình quân của một người lao động thường xuyên trong HTX là 59 triệu đồng/người/năm (tăng 136% so với năm 2013).

Nghị quyết số 20-NQ/TW tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về KTTT: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Đồng thời, xác định mục tiêu cụ thể phát triển KTTT cho giai đoạn tới là: “Đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức KTTT đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị… Đến năm 2045, bảo đảm trên 90% tổ chức KTTT hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết”.

Luật Hợp tác xã năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2023 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2024) đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX theo Nghị quyết số 20-NQ/TW và chỉ rõ 10 nhiệm vụ của Liên minh HTX tại điều 110, 111 tập trung vào phát triển KTTT, nòng cốt là các HTX.

Tại Điều lệ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1328/QĐ-TTg, ngày 23/7/2021 có nêu tại khoản 8, khoản 9 tại Điều 7 có quy định nhiệm vụ như:

–  Tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ công cho các thành viên về pháp lý, đầu tư, khoa học và công nghệ, đào tạo, thông tin, tài chính, tín dụng, thị trường, kiểm toán, bảo hiểm, kiểm định chất lượng hàng hóa và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

– Tổ chức hoạt động kinh tế vì mục tiêu phát triển hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và hỗ trợ thành viên; huy động nguồn lực hợp pháp trong nước và nước ngoài để đầu tư phát triển KTTT, HTX theo quy định của pháp luật.

Tại Điểm e Khoản 1 Điều 38 Nghị định số 126/2024/NĐ-CP, ngày 08 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội có nêu quyển của hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ “Được tổ chức một số hoạt động kinh tế; tiếp nhận nguồn lực hợp pháp trong nước và ngoài nước gắn với tộn chỉ, mục đích hoạt động, chức năng, nhiệm vụ được giao; quan hệ hợp tác với tổ chức, cá nhân; tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân và một số cơ chế hợp tác theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, hoạt động kinh tế của hệ thống Liên minh Hợp tác xã không những không vì mục đích lợi nhuận theo nghĩa thông thường, mà nhằm phục vụ các mục tiêu:

1) Hỗ trợ và phát triển KTTT, HTX: Liên minh HTX sử dụng các hoạt động kinh tế để tạo nguồn lực tài chính, nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các HTX thành viên. Các dịch vụ này bao gồm tư vấn, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, xúc tiến thương mại và các hoạt động khác nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HTX. Hoạt động kinh tế của Liên minh HTX hướng đến việc tạo ra giá trị gia tăng cho các loại hình HTX, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của các thành viên HTX.

2) Thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao: Liên minh HTX có thể được giao thực hiện các nhiệm vụ kinh tế do Nhà nước ủy thác, nhằm triển khai các chính sách và chương trình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Các hoạt động này thường mang tính chất phục vụ cộng đồng và xã hội và không nhằm mục đích tạo lợi nhuận cho Liên minh.

3) Đảm bảo nguồn lực cho hoạt động của Liên minh: Các hoạt động kinh tế giúp Liên minh HTX có nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ được giao và đảm bảo sự phát triển bền vững của tổ chức. Nguồn thu từ các hoạt động kinh tế được sử dụng để trang trải chi phí hoạt động, đầu tư vào các hoạt động hỗ trợ hợp tác xã và thực hiện các nhiệm vụ khác của Liên minh.

Trong thực tế, các hoạt động kinh tế của hệ thống Liên minh HTX không vì mục tiêu lợi nhuận thường nhằm mục đích hỗ trợ thành viên, phát triển cộng đồng và phục vụ lợi ích chung. Thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Luật HTX 2023, đã được hệ thống vận dụng như:

1. Cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo:

– Đào tạo, tập huấn:  Tổ chức các khóa đào tạo về quản lý, kinh doanh, kỹ thuật sản xuất, giúp nâng cao năng lực cho cán bộ và thành viên HTX. Nội dung đào tạo tập trung vào các vấn đề như lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính, marketing và ứng dụng công nghệ.

– Tư vấn pháp lý và quản lý: Cung cấp tư vấn pháp lý, tài chính, kế toán, kiểm toán nội bộ, quản trị, thị trường, giúp HTX hoạt động hiệu quả và tuân thủ pháp luật. Hỗ trợ xây dựng phương án kinh doanh, tiếp cận vốn vay, và mở rộng thị trường.

2. Xúc tiến thương mại, kết nối thị trường:

– Hội chợ, triển lãm: Tổ chức các hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm của HTX, tạo cơ hội kết nối với đối tác và khách hàng.

– Hỗ trợ tiếp cận thị trường: Xây dựng mạng lưới kết nối, quảng bá sản phẩm của HTX để tăng khả năng tiêu thụ và ổn định đầu ra; liên kết HTX với các doanh nghiệp, siêu thị, và các kênh phân phối khác; Xây dựng các chuỗi giá trị liên kết giữa các HTX.

– Xây dựng thương hiệu: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm HTX, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh.

3. Hỗ trợ tiếp cận vốn:

– Kết nối nguồn vốn: Giới thiệu và kết nối HTX với các ngân hàng, quỹ tín dụng, và các tổ chức tài chính. Tư vấn về các thủ tục vay vốn.

– Quỹ hỗ trợ phát triển HTX: Quản lý và điều hành các quỹ hỗ trợ phát triển HTX, cung cấp vốn vay ưu đãi cho HTX.

4. Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ:

– Chuyển giao công nghệ: Chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp HTX nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, sản xuất, và kinh doanh.

– Mô hình HTX công nghệ cao: Hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị, và phát triển bền vững.

5. Phát triển cơ sở hạ tầng:

Hỗ trợ xây dựng cơ bản vật chất, kho bãi, phương tiện vận chuyển chung phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX

6. Đại diện và bảo vệ quyền lợi của HTX:

Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến KTTT, HTX; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của HTX trong các tranh chấp kinh tế; Phản ánh các khó khăn, vướng mắc của HTX đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mục tiêu chính của hoạt động kinh tế là: Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của HTX; Góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương; Thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các HTX,… Các hoạt động này không nhằm mục đích tạo lợi nhuận cho Liên minh HTX, mà tập trung vào việc hỗ trợ, phát triển KTTT và HTX. Tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các HTX, không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn góp phần vào sự bền vững, phát triển lâu dài của kinh tế địa phương. Đồng thời, việc khuyến khích sự liên kết, hợp tác sẽ tăng cường sức mạnh tập thể, giúp các HTX cùng phát triển. Điển hình như:

– Tại tỉnh An Giang: Liên minh HTX tỉnh An Giang đã có những hoạt động tích cực trong việc tham gia vào chuỗi giá trị, liên kết hiệu quả với doanh nghiệp, để tìm đầu ra, giúp HTX nông nghiệp phát triển. Đồng thời, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh An Giang đã có những hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ, tư vấn kiểm toán nội bộ trên địa bàn, đã giúp cho các HTX :

+ Nâng cao năng lực quản lý tài chính: Kiểm toán nội bộ giúp phát hiện và khắc phục kịp thời những sai sót, gian lận trong quản lý tài chính, kế toán; Góp phần xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, đảm bảo sự tuân thủ các quy định pháp luật và nguyên tắc tài chính; Nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tài chính của HTX.

+ Cải thiện hiệu quả hoạt động: Kiểm toán nội bộ giúp đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX, xác định những điểm mạnh, điểm yếu và đề xuất các giải pháp cải thiện; Góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho HTX; Đảm bảo việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực của HTX.

+ Tăng cường tính minh bạch và sự tin tưởng: Kiểm toán nội bộ giúp tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của HTX, tạo sự tin tưởng cho các thành viên, đối tác và các bên liên quan; Góp phần xây dựng hình ảnh và uy tín tốt đẹp cho HTX;  Tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn và mở rộng hoạt động của HTX.

+ Góp phần vào sự phát triển bền vững của HTX: Kiểm toán nội bộ giúp HTX phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh; Góp phần xây dựng nền tảng tài chính vững chắc cho HTX; Đảm bảo sự phát triển bền vững của HTX trong dài hạn.

– Tại tỉnh Đồng Tháp: Các mô hình liên kết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đễ giúp nông dân phát triển sản xuất bền vững, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu. Các hội quán nông dân được thành lập, nâng cao ý thức sản xuất sạch, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm. Từ mô hình hội quán từ đó phát triển thành các HTX, mở ra hướng đi mới phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

– Tại tỉnh Bình Thuận: Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đến nhiều tỉnh, thành. Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sản phẩm OCOP được trưng bày tại các hội chợ xúc tiến thương mại.

– Tại Bình Phước: Các HTX đã góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động và thúc đẩy kinh tế địa phương cây trồng. Sự hỗ trợ của Liên minh HTX trong việc vay vốn đầu tư phát triển sản xuất đã giúp HTX hoạt động hiệu quả và hoàn trả vốn vay đúng hạn.

Nhìn chung, hoạt động kinh tế của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhằm mục đích hỗ trợ và phát triển KTTT, HTX, thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao và đảm bảo nguồn lực cho hoạt động của Liên minh. Các hoạt động này không nhằm mục đích tạo lợi nhuận cho Liên minh mà hướng đến việc tạo ra giá trị gia tăng cho các loại HTX và cộng đồng. Ngoài ra, các hoạt động đều mang tính chất phục vụ cộng đồng, không vì lợi nhuận mà chủ yếu nhằm cải thiện đời sống thành viên, phát triển KTTT và xây dựng cộng đồng bền vững.

Trần Văn Cứng

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang