Ngày 19-12-2022, tại TP. Long Xuyên, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường – Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam phối hợp Liên minh HTX tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và bảo vệ môi trường cho các HTX. Ông Nguyễn Mạnh Cường – Bí thư Đảng ủy – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; ông Đặng Tiến Hùng – Phó Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi – Ủy Ban Dân tộc; ông Lê Tuấn An – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và môi trường – Liên minh HTX Việt Nam; ông Trần Văn Cứng – Ủy viên Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang; đại diện lãnh đạo một số Ban, đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam; đại diện lãnh đạo Liên minh HTX các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ; đại diện lãnh đạo Sở, ngành, đoàn thể và 30 HTX thành viên trên địa bàn tỉnh An Giang đến tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: “Cả nước có 27.266 HTX, trong đó có 17.509 HTX nông nghiệp, 9.757 HTX phi nông nghiệp với gần 2.000 HTX tiểu thủ công nghiệp. Tổng số thành viên HTX là hơn 10 triệu người cùng với hơn 2 triệu lao động. Mặc dù có sự tăng trưởng về lượng nhưng chưa thực về chất, quy mô của HTX có tăng lên, nhưng phần lớn quy mô nhỏ, công nghệ, máy móc, thiết bị còn lạc hậu; thiếu cơ sở hạ tầng sản xuất, kinh doanh; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu thông tin thị trường và khả năng kết nối cung cầu công nghệ, thương mại. Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, đây là cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho khu vực HTX. Việc nâng cao trình độ quản lý và đẩy mạnh ứng dụng đổi mới khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất trong bối cảnh thiếu lao động ở khu vực nông thôn hiện nay là hướng đi tất yếu đảm bảo giải quyết bài toán động lực cho các HTX thay đổi năng suất, chất lượng sản phẩm…”

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chia sẻ nhiều thông tin hữu ích như: Đánh giá hiện trạng công nghệ và mức độ chuyển đổi số của các HTX và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và HTX; Những rào cản trong xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng nông sản sang các thị trường Âu Mỹ; Một số giải pháp chuyển đổi số cho các HTX; Đánh giá và thảo luận về giải pháp nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử cho các HTX và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Xây dựng thương hiệu gạo thảo dược Việt Nam; Thiết lập vùng trồng và cơ sở đóng góp đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cho các HTX Nông nghiệp; Quy trình sản xuất an toàn và giải pháp giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học trong sản xuất Nông nghiệp…
Trình bày tham luận về ứng dụng công nghệ số cho các HTX trên địa bàn tỉnh An Giang, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh – Trần Văn Cứng chia sẻ: “Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã manh dạn liên kết với các công ty, doanh nghiệp triển khai nhiều mô hình sản xuất gắn với chuyển đổi số, điển hình như: Mô hình “Mặt ruộng không dấu chân” hoàn toàn cơ giới hóa, sử dụng máy bay không người lái (Drone) trong gieo sạ lúa, rải phân và phun thuốc. Ngoài ra, các HTX còn được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu; tạo lập các mã quét, mã QR để truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm bằng các ứng dụng, phần mềm; đẩy mạnh việc thanh toán qua các nền tảng trực tuyến, ví điện tử, Mobile money; chữ ký số, sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động thanh toán của HTX…”
Thông qua Hội nghị nhằm thảo luận, đánh giá và tiếp thu những ý kiến, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; qua đó, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả về công tác tư vấn, hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, bảo vệ môi trường nói chung và chuyển đổi số, thương mại điện tử nói riêng cho khu vực kinh tế tập thể, HTX đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu./.
Tin, ảnh: NGỌC DỰNG