Hội thảo đề xuất thí điểm thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Chiều ngày 20-11-2024, tại TP. Long Xuyên; Liên minh Hợp tác xã (HTX)tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo đề xuất thí điểm thành lập và hoạt động Liên đoàn HTX lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đồng chí Huỳnh Lam Phương – Ủy viên Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam – Trưởng cơ quan Thường trực tại phía Nam; đồng chí Trần Văn Cứng – Ủy viên Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang; đồng chí Trần Thanh Hiệp – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đồng chủ trì Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự Hội thảo, còn có đại diện lãnh đạo Liên minh HTX các tỉnh (Bạc Liêu, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bình Phước); đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện (Thoại Sơn, Phú Tân, An Phú, Tri Tôn, Châu Phú), các doanh nghiệp, đối tác, dự án phối hợp; đại diện Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc các HTX, Liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu được triển khai nội dung Quyết định số 459/QĐ-BCH ngày 12/9/2024 của BCH Liên minh HTX Việt Nam về việc phê duyệt Đề án “Đề xuất thí điểm thành lập và hoạt động của Liên đoàn HTX lúa, gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” và trao đổi, thảo luận xoay quanh các vấn đề, bao gồm: Một số thông tin về Liên đoàn HTX; vai trò của Liên minh HTX tỉnh trong triển khai chính sách cho các HTX nông nghiệp; vai trò của Liên minh HTX tỉnh trong triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải; vai trò của các HTX nông nghiệp trong phát triển kinh tế tại địa phương…

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang Trần Văn Cứng điều hành Hội thảo
Các đại biểu trao đổi, thảo luận

Các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất nhận định: Việc thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới, khi có một tổ chức theo ngành dọc, vừa đại diện cho thành viên, vừa là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân độc lập và tiến hành trực tiếp điều phối hoạt động của các HTX thành viên, thực hiện các hoạt động kinh tế riêng, điều phối chuỗi cung ứng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX thành viên.

Thành lập Liên đoàn cũng phù hợp với kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới, Liên đoàn HTX các nước cũng là cánh tay nối dài nắm bắt, phổ biến chính sách của Nhà nước tới các thành viên. Thành lập Liên đoàn để hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo, liên kết sản xuất, hướng tới sản xuất lớn, trên cơ sở đó, tiến hành các biện pháp, “giảm thuốc, giảm phân”, sản xuất theo quy mô lớn, đồng bộ theo tất cả các khâu, truy xuất được nguồn gốc, quy hoạch vùng trồng, chế biến sâu… để giảm giá thành, nâng chất lượng, bán được giá cao…

Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo cũng nêu ý kiến liên quan đến tình hình phát triển lĩnh vực lúa gạo, cơ hội và thách thức gắn với đề xuất thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo vùng ĐBSCL. Vai trò của Liên đoàn HTX lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong phát triển các HTX nông nghiệp chuyên ngành lúa gạo; cần quan tâm cơ cấu tổ chức bộ máy, trụ sở; cơ chế đặc thù cho Liên đoàn hoạt động./.

Tin, ảnh: NGỌC DỰNG