Nhằm triển khai thực hiện việc tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa theo hướng bền vững, tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa và tuyên truyền nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Hội Nông dân tỉnh và Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo triển khai chiến dịch thực hiện mô hình liên kết tiêu thụ lúa hàng hóa với sự tham gia của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tại các huyện: Tri Tôn, Phú Tân, Tịnh Biên, Chợ Mới, Châu Thành, An Phú, Tân Châu, Thoại Sơn, Châu Phú và TP. Châu Đốc.
Hội thảo được tổ chức 2 đợt (đợt 1: từ ngày 08/03/2022 đến ngày 10/03/2022 và đợt 2: từ ngày 15/03/2022 đến ngày 17/03/2022). Tại các buổi Hội thảo, đại diện công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời giới thiệu các phương án liên kết sản xuất và các mô hình liên kết tiêu thụ lúa hàng hóa. Đối với mô hình truyền thống thông thường, điều kiện nông dân tham gia là sử dụng vật tư nông nghiệp của Tập đoàn Lộc Trời; chính sách cung ứng vật tư nông nghiệp đến cuối vụ không tính lãi suất, hỗ trợ đầu ra cho nông dân, sử dụng Drone giá ưu đãi: 130.000 đồng/ha/1 lần bay.
Mô hình truyền thống nâng cao, điều kiện tham gia nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp của Tập đoàn Lộc Trời (giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật), sử dụng dịch vụ nông nghiệp của Tập đoàn Lộc trời hoặc theo chỉ định (làm đất, Drone, thu hoạch, cuộn rơm). Về chính sách sẽ được hỗ trợ 1 trong 3 dịch vụ (giống 120kg/ha, phun thuốc bằng máy bay, thu hoạch cắt).
Đối với mô hình bao lợi nhuận (LT123), điều kiện tham gia sử dụng vật tư nông nghiệp Tập đoàn Lộc Trời: giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật (Tập đoàn Lộc Trời bao trọn gói); dịch vụ nông nghiệp (Tập đoàn Lộc Trời bao 8,1 triệu đồng/ha). Về chính sách, đối với giống OM18: năng suất 5,5 tấn/ha (lợi nhuận 7 triệu đồng/ha), OM5451: năng suất 5,5 tấn/ha (lợi nhuận 6,8 triệu đồng/ha), Nếp IR4625: năng suất 6 tấn/ha (lợi nhuận 8 triệu đồng/ha); hỗ trợ đầu ra cho bà con nông dân; chi thưởng 500.000đ/ha/năm cho bà con nông dân

Tham dự Hội thảo, nhiều nông dân đã trình bày các khó khăn, vướng mắc như: Mỗi lần xuống giống nông dân gặp khó khăn vấn đề nước đề nghị địa phương cần khắc phục; Khi lúa gần thu hoạch nhưng bị ảnh hưởng do tình hình thời tiết (mưa, bão), giá cả thị trường thấp Tập đoàn Lộc Trời sẽ thu mua như thế nào? Để nông dân tham gia vào các mô hình, khi nông dân thu hoạch Tập đoàn Lộc Trời cần đến thu mua liền theo thỏa thuận…
Các ý kiến của bà con nông dân được đại diện các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện và đại diện Tập đoàn Lộc Trời giải đáp thắc mắc nhằm giúp bà con nông dân yên tâm trong khâu liên kết tiêu thụ và tham gia các mô hình để nâng cao năng suất, chất lượng; giúp bà con nông dân tăng thêm thu nhập góp phần phát triển kinh tế gia đình./.
Tin, ảnh: NGỌC DỰNG