Trồng lúa hữu cơ hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi được nông dân xã Vọng Đông (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) nói chung, các thành viên Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Vọng Đông nói riêng triển khai. Đây là mô hình trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế, mang tính bền vững, đáp ứng xu thế tiêu dùng: Ưu chuộng sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ môi trường và con người…
Từ nền tảng canh tác theo tiêu chuẩn SRP
HTX nông nghiệp Vọng Đông thành lập năm 2016, vốn điều lệ 300 triệu đồng. Hiện nay, HTX có gần 100 thành viên, trong đó có 15 thành viên sáng lập. Ngay từ lúc thành lập, các thành viên trong HTX xác định canh tác theo hướng hữu cơ là hướng đi bền vững là mục tiêu hướng tới.
Giám đốc điều hành HTX nông nghiệp Vọng Đông Nguyễn Phú Cường cho biết, đơn vị đang sản xuất lúa theo quy chuẩn SRP. Đây là tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững, góp phần giảm thiểu tác động môi trường vào sản xuất, thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên và khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu trong hệ thống lúa gạo, đồng thời củng cố thu nhập cho nông dân và góp phần vào an ninh lương thực.
Quy chuẩn SRP bao gồm 41 tiêu chuẩn đánh giá 8 lĩnh vực liên quan của sản xuất lúa gạo, như: Sử dụng nước, chuẩn bị xuống giống, thu hoạch và sau thu hoạch, quản lý đồng ruộng, quản lý sâu bệnh, quản lý dinh dưỡng, quyền của người lao động, sức khỏe và an toàn lao động…
“Hiện nay, HTX nông nghiệp Vọng Đông đáp ứng 37/41 tiêu chuẩn của SRP. Những tiêu chuẩn không đạt, gồm: Việc đốt rơm rạ sau thu hoạch; quản lý bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; sử dụng đồ bảo hộ lao động; việc xả nước trên đồng ruộng xuống kênh, rạch sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật.
Đây là những tiêu chí liên quan đến tập quán canh tác của nông dân. Chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên khắc phục những tiêu chí không đạt. Các thành viên nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này nên dần cải thiện” – ông Cường chia sẻ.
Ông Cường đánh giá, với việc áp dụng mô hình SRP, nông dân giảm chi phí sản xuất do giảm lượng thuốc trừ sâu, phân bón và nhân công. Ngoài ra, nông dân dần thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất, như: Thay đổi tập quán đốt rơm rạ, tiết kiệm nguồn nước, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng các kỹ thuật tưới ướt – khô xen kẽ, quản lý dịch bệnh tổng hợp, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng…
Đến canh tác lúa hữu cơ
Trên cơ sở nền tảng sản xuất theo tiêu chuẩn SRP, HTX nông nghiệp Vọng Đông đang hướng đến việc canh tác hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Vụ này, HTX nông nghiệp Vọng Đông nhân rộng diện tích canh tác lúa hữu cơ lên 110ha. Giống lúa sản xuất là ĐS1 (lúa Nhật) và được bao tiêu. Ông Cường cho biết, trong quá trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ, HTX chỉ sử dụng phân cải tạo đất hữu cơ Con Voi Bình Dương (Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương). Loại phân bón lót này có tác dụng cải tạo và tăng độ phì nhiêu cho đất; tăng khả năng giữ nước, chống rửa trôi phân hóa học. Đồng thời, giúp bộ rễ phát triển nhanh, mạnh và giúp hệ sinh vật có ích trong đất phát triển tốt…
“Theo nhà sản xuất, phân bón lót sử dụng vào 3 giai đoạn của cây lúa là sau xạ 10 – 20 ngày và chuẩn bị trổ đòng. Việc sử dụng chế phẩm này giúp giảm số lần sử dụng phân bón vô cơ từ 7 xuống 3 lần/vụ. Chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm khoảng 10 triệu đồng/ha” – ông Cường thông tin.
Cùng quan điểm với ông Cường, ông Huỳnh Văn Đẳng (Phó Giám đốc HTX Vọng Đông) cho biết thêm, bước đầu tham khảo các mô hình khác, năng suất lúa canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng phân sinh học không cao hơn so diện tích lúa canh tác truyền thống. Tuy nhiên, nhờ chi phí phân bón giảm nên nông dân thu về lợi nhuận cao hơn. Đồng thời, giảm công chăm sóc, bảo vệ môi trường…
Theo bà Nguyễn Thị Chuyện, thành viên HTX đang dần chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong tương lai, đơn vị sẽ chuyển sản xuất từ 3 vụ sang 2 vụ. Sau đó là luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ màu. Tiếp theo là luân canh lúa – cá.
“Nếu thành công, trong vòng 3 – 5 năm tới, HTX sẽ hoàn thiện các tiêu chuẩn sản xuất theo hướng hữu cơ. Từ đó, nông sản sẽ rộng đường xuất khẩu sang Hoa Kỳ, các nước Châu Âu…” – bà Chuyện chia sẻ
Với việc chuyển đổi từ canh tác lúa truyền thống sang hướng hữu cơ, dựa trên nền tảng tiêu chuẩn SRP đã góp phần nâng cao chất lượng nông sản, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe người canh tác và môi trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức của nông dân hướng tới việc sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm ô nhiễm môi trường đất đai và nguồn nước, góp phần phục hồi hệ sinh thái trên đồng ruộng…
Theo Minh Đức – Báo An Giang (Ngọc Dựng – Sưu tầm)
Link bài gốc: https://baoangiang.com.vn/hop-tac-xa-vong-dong-diem-sang-trong-san-xuat-lua-huu-co-a366680.html