Kế hoạch liên kết và tiêu thụ vụ Thu Đông năm 2021

Theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, vụ Thu Đông năm 2021, An Giang có tổng số 699 tiểu vùng, trong đó có 417 tiểu vùng có đê bao kiểm soát lũ triệt để với diện tích khoảng 189.000 ha. Dự kiến, kế hoạch diện tích xuống giống vụ Thu Đông 2021 là 175.180 ha, trong đó lúa 160.957 ha và màu 14.223 ha.

Ảnh minh họa

Đối với cây lúa, dự kiến sản xuất lúa khoảng 160.957ha, ước năng suất lúa bình quân đạt 6,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt 998.170 tấn. Kế hoạch đăng ký từ các doanh nghiệp, vụ Thu Đông 2021 có tổng diện tích liên kết tiêu thụ là 37.400 ha, chiếm 23,26% diện tích kế hoạch xuống giống với sự tham gia liên kết của 15 công ty và doanh nghiệp.

Căn cứ theo lịch xuống giống vụ Thu Đông, sản lượng lúa, nếp sẽ tập trung thu hoạch cao điểm vào các đợt:

Đợt 1: 13/11 đến 27/11: Thu hoạch khoảng 300.000 tấn.

Đợt 2: 28/11 đến 10/12: Thu hoạch khoảng 340.000 tấn.

Các thời điểm còn lại từ cuối tháng 9 sẽ có thu hoạch lúa Thu Đông liên tục

Đối với cây rau màu, hỗ trợ thúc đẩy phát triển liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 05/7/2018 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 06 Ctr/TU, ngày 29/6/2021 của Tỉnh ủy về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với ngành hàng chủ lực của tỉnh; Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 181/KH-UBND, ngày 08/4/2021 của UBND tỉnh.

Tiếp tục phát triển tập trung sản xuất rau, màu tại các vùng trọng điểm của tỉnh như Kiến An (Chợ Mới), Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên), Bình Thủy (Châu Phú), Bình Thạnh (Châu Thành), Châu Phong (Tân Châu),…chú trọng tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, hỗ trợ các địa phương về mặt kỹ thuật sản xuất, đưa vào ứng dụng nhà lưới, nhà màng công nghệ cao từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm rau màu của tỉnh.

Đẩy mạnh việc mời gọi doanh nghiệp gắn kết, đầu tư và thu mua các loại rau, màu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao như bắp non, đậu nành rau và nhóm rau dưa… Tăng vòng quay sản xuất của các nhóm rau ăn lá, ngắn ngày, tận dụng các diện tích trên vườn cây ăn trái để bố trí trồng xen các loại rau, nhằm tăng thu nhập cho người dân. Liên kết với các nhà thu mua có thị trường rộng mở như: Bách Hóa xanh, Coopmart, Vinmart…

Đối với cây ăn trái, củng cố lại các hợp tác xã, tổ hợp tác làm đầu mối liên kết tiêu thụ cây ăn trái, lúa và rau màu trên địa bàn tỉnh; chủ động trong việc tìm kiếm và kết nối doanh nghiệp trong liên kết để phù hợp với năng lực sản xuất của mình. Tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan, Công ty XNK trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Công ty Cổ phần Antesco, Công Ty TNHH Lefarm và các doanh nghiệp khác trong và ngoài tỉnh để giải quyết đầu ra cho nhóm cây ăn trái trong mùa thu hoạch rộ./.

NGỌC DỰNG