Nông trại hữu cơ vùng cao nguyên Langbiang đạt tiêu chuẩn Nhật Bản

HTX Minh Thọ Organic đồng thời là Cty TNHH Dâu rừng Langbian.F (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) đã tiên phong xây dựng mô hình nông trại hữu cơ.

Mô hình được xây dựng theo tiêu chuẩn JAS – Tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản, với trọng tâm là các sản phẩm trái cây phúc bồn tử (đặc biệt là phúc bồn tử đen), rau sạch và các sản phẩm chế biến từ phúc bồn tử như nước cốt, rượu vang, trà, mứt, socola…

Vì yêu thiên nhiên nên vợ chồng doanh nhân Nguyễn Văn Hà và Tôn Nữ Thanh Mỹ từ thành phố Đà Lạt đã quyết định vào thị trấn Lạc Dương mua 5 ha đất để nghỉ dưỡng.

Nơi đây, khí hậu trong lành mát mẻ như ở Đà Lạt, đất đai lại trù phú nên không chỉ dưỡng già mà vợ chồng ông quyết định chuyển hướng sang phát triển sản xuất nông nghiệp.

Lúc đầu, tận mắt chứng kiến các nhà vườn xung quanh trồng rau trong nhà kính, nhà lưới nhưng vẫn lạm dụng hóa chất, phân hóa học nên ông bàn với vợ với 5 ha đất hiện có của gia đình, phải làm thế nào để tạo ra thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe của cộng đồng.

Từ đó, ông đã liên kết với 11 thành viên thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Minh Thọ, sản xuất rau theo hướng VietGAP như các loại rau xà lách lolo, romain xanh, cải xoăn, cải cầu vồng…

Tuy nhiên, nhận thấy việc sản xuất này vẫn chưa tạo ra sản phẩm an toàn 100%, chưa thực sự thân thiện với môi trường nên ông Hà quyết định bắt tay chuyển sang sản xuất theo phương pháp hữu cơ, xây dựng nông trại hữu cơ đầu tiên trong HTX bằng giống phúc bồn tử.

Cùng thời điểm này, gia đình ông được một người bạn ở Châu Âu tặng giống cây phúc bồn tử đen để trồng thử nghiệm trên 1.000m2. Đây là giống cây khá quý hiếm trên thị trường Việt Nam và có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Bà Tôn Nữ Thanh Mỹ bên vườn phúc bồn tử đỏ.

Để có nguồn giống chuẩn, gia đình ông phải thuê chuyên gia nước ngoài nghiên cứu nhân giống theo quy trình đặc biệt để mở rộng diện tích trồng phúc bồn tử lên 2,5 ha vào năm 2017, trong đó có 2,2 ha phúc bồn tử đen và 1.500m2 phúc bồn tử đỏ.

Canh tác theo công nghệ hữu cơ không quá khó nhưng phải đảm bảo quy trình chăm sóc khắt khe và đạt quy chuẩn, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất, thuốc kích thích cũng như phân hóa học trong sản xuất. Đất vườn được xử lý sạch và nước tưới cho cây cũng đảm bảo không nhiễm hóa chất.

Để có được Giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ JAS của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, nông trại phải vượt qua gần 1.000 tiêu chí đánh giá về môi trường, quy trình chăm sóc, đóng gói, sơ chế hàng sản xuất, về an sinh, đời sống công nhân, về đất, nước, phân bón, giống theo quy chuẩn sạch hữu cơ và cuối cùng là với tất cả lá cây trong nông trại phải vượt qua 256 chỉ tiêu “test” không hóa chất, không độc chất, không vi sinh vật yếm khí tác động đến cây trồng.

Trong đó, sản phẩm được canh tác và sản xuất theo môi trường tự nhiên kết hợp với bảo vệ cuộc sống cộng đồng, nghĩa là sạch từ con người đến sản phẩm. Các chuyên gia người Nhật đến kiểm tra, lấy mẫu lá cây trồng và cỏ xung quanh vườn làm mẫu để test chỉ tiêu theo chuẩn Organic của Nhật. Chỉ cần 1 mẫu “dính” hóa chất độc hại thì kết quả sẽ không đạt, không được cấp chứng nhận.

Các thành viên trong HTX không ai ngờ ông Hà đã làm được, tạo ra được sản phẩm hữu cơ được cấp chứng nhận. Bởi theo họ, làm hữu cơ chỉ đạt 70% nhưng bằng tâm huyết, trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra nên nông trại của ông đạt 100% sản phẩm được chứng nhận hữu cơ.

Trải qua gần 1 năm kiểm tra, lấy mẫu đánh giá, nông trại của gia đình ông đã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ JAS – tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản vào năm 2018. Chứng nhận được cấp cho cá nhân chứ không cho tập thể là HTX nên Công ty TNHH Dâu rừng Langbian.F được thành lập để có chứng nhận và hoạt động. Công ty là thành viên của HTX.

Được bà Tôn Nữ Thanh Mỹ dẫn đi tham quan quanh vườn, chúng tôi mới cảm nhận rõ phương pháp canh tác hữu cơ của nông trại, bước chân vào trong nhà kính mà cảm thấy như bước vào khu vườn tự nhiên, không khí trong lành và rất dễ chịu không hề có cảm giác ngột ngạt bởi mùi thuốc sâu và phân bón hóa học.

Nhà kính được làm thông thoáng, có phòng cách ly, che chắn lưới giữa các khu, giàn lưới nilon xen kẽ tạo môi trường thông thoáng. Quanh lối đi xuống vườn, được gia đình trồng cây xanh tạo bóng mát, trong vườn được trồng xen các loại hoa cỏ và cây lá thơm (cây chanh sả) để dẫn dụ thiên địch.

Quả phúc bồn tử đỏ.

Ở đây, những cây phúc bồn tử xanh tốt, cứng cáp và cho quả trĩu cành. Giống phúc bồn tử sau 18 tháng trồng là bắt đầu cho thu hoạch quanh năm. Khoảng thời gian từ khi ra hoa đến khi thu trái là 1,5 tháng. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ nên vườn phúc bồn tử cho năng suất cao.

“Thu hoạch ngày cách ngày, trung bình mỗi ngày công nhân thu hái 300 – 400kg trái phúc bồn tử, sản lượng mỗi tháng đạt khoảng 4-5 tấn. Hiện công ty bán trái tươi phúc bồn tử đen ngoài thị trường là 700.000 đồng/kg, phúc bồn tử đỏ 350.000 đồng/kg” bà Mỹ chia sẻ.

Ngoài cung cấp sản phẩm quả tươi, vợ chồng ông Hà còn nghiên cứu chế biến quả phúc bồn tử thành nước cốt, mứt, trà, socola và đặc biệt là sản phẩm rượu vang phúc bồn tử được Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Bên cạnh trồng phúc bồn tử, Langbian.F cũng canh tác gần 3 sào rau, củ, quả các loại theo hướng hữu cơ và mỗi tháng cung ứng ra thị trường trên 1 tấn sản phẩm. Hiện, nông trại của gia đình ông đang tạo công ăn việc làm cho 10 người (chủ yếu là người dân tộc thiểu số) với mức lương từ 6,5-8 triệu đồng/tháng. Những công nhân làm việc trong các nhà vườn không phải đeo khẩu trang như các nhà vườn khác, không ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động.

Theo Văn Thọ/ báo Nông nghiệp