Ngày 26/7, tại Thanh Hóa, Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ 7, khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 để đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023 được diễn ra. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; các đồng chí Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; cùng các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề như: báo cáo tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023; báo cáo tình hình hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; báo cáo thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Ủy ban Kiểm tra; báo cáo kết quả và Tờ trình công bố kết quả Chiến dịch khảo sát “Chỉ số hài lòng của HTX” năm 2022; dự thảo Quy quy định, chế độ thông tin, thống kê, báo cáo tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX và hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Kế hoạch tuyên truyền Luật HTX năm 2023 và Kế hoạch chi tiết triển khai tuyên truyền về Luật HTX năm 2023 giai đoạn 2023 – 2024…
Các HTX đã tham gia, đóng góp có hiệu quả
Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, lãnh đạo Văn phòng Liên minh Hợp tác xã Việt nam cho biết, 6 tháng đầu năm, cả nước thành lập mới 1.032 HTX, cả nước có 30.425 HTX, tăng 2.204 HTX so với cùng kỳ năm 2022; trong đó: 20.157 HTX nông nghiệp, 10.268 HTX phi nông nghiệp (bao gồm: 2.368 HTX CN-TTCN, 2.613 HTX TMDV, 1.790 HTX vận tải, 904 HTX xây dựng, 634 HTX môi trường, 1.183 Quỹ tín dụng nhân dân và 776 HTX khác). Khu vực HTX thu hút trên 6,93 triệu thành viên (tăng 30.770 thành viên so với cùng kỳ năm 2022) và 2,58 triệu lao động (tăng 48.348 lao động so với cùng kỳ năm 2022).
Theo số liệu thống kê 63,2% HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản thích ứng, tích cực trong nâng cao năng lực, đầu tư kinh phí, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua đổi mới hệ thống quản trị gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phần mềm quản lý (kế toán, quản lý sản xuất của các thành viên); chuyển đổi số trong quản lý tổ chức sản xuất từ đầu vào tới sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; áp dụng nông nghiệp thông minh, công nghệ cao (tưới nhỏ giọt, lò sấy trống, chế biến cà phê ướt,…), sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, có thương hiệu, xuất xứ sản phẩm (OCOP, hữu cơ, GlobalGap,VietGAP,…); sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực vùng, miền, địa phương nhằm thích ứng xu hướng thị trường.
Tại một số tỉnh, thành phố, tỷ lệ các HTX được cấp mã số vùng trồng có xu hướng tăng lên, tạo ra cơ hội xuất khẩu cho HTX, giúp thành viên yên tâm sản xuất vì có đầu ra và giá cả ổn định. Các HTX đã tham gia, đóng góp có hiệu quả vào chương trình xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo nhất là trong xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, chương trình OCOP, và hàng hóa chủ lực của địa phương. Điển hình, tỉnh Đồng Nai có 197 chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (141 chuỗi trồng trọt, 44 chuỗi chăn nuôi, 05 chuỗi thủy sản và 07 chuỗi lâm nghiệp) với sự tham gia của 64 HTX (trong và ngoài tỉnh) liên kết kết với 101 doanh nghiệp, 35 cơ sở giết mổ, cơ sở sản xuất kinh doanh và hơn 13.594 hộ sản xuất, trang trại. Bắc Giang với chuỗi giá trị sản phẩm như: Mỳ chũ ăn kiêng, bánh quế ông Phú, bún khô Đa Mai, rượu Vân Hương, bánh đa Kế, chè xanh Bản Ven, trà cà gai leo, trà hoa vàng,…
Tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã 6 tháng đầu năm đạt được những kết quả như: Tỷ lệ cao THT, HTX, LHHTX nông, lâm nghiệp, thủy sản trong xu hướng phát triển của cả nước đẩy mạnh phát triển, liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm, ổn định sản xuất đối với hợp tác xã và thu nhập cho thành viên; đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia; Hầu hết các loại hình hợp tác xã phi nông nghiệp tốc độ tăng trưởng chậm, một số HTX giảm doanh thu, sản lượng so với cùng kỳ năm 2022; sản xuất kinh doanh ổn định trong quý II hơn so với quý I/2023; Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động ổn định, một số Quỹ đóng vai trò quan trọng giúp các HTX, thành viên tiếp cận được nguồn vốn, tín dụng đầu tư sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng các HTX, hiệu quả hoạt động HTX; Tổ chức sản xuất của THT, HTX, LHHTX hướng đến mục tiêu đạt tiêu chuẩn OCOP; phát triển mở rộng quy mô gắn với quy hoạch vùng sản xuất và cấp mã vùng trồng; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ thành viên; đẩy mạnh liên kết các thành viên; phát triển và tham gia liên kết với các HTX, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế; Nhiều HTX thành lập mới thu hút thành viên trẻ sáng lập; mạnh dạn trong tiếp cận công nghệ mới, tiên tiến, vốn, tín dụng để đầu tư sản xuất kinh doanh gắn với các các phương thức sản xuất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả; phát triển nhiều mô hình liên kết với hình thức mới hoạt động hiệu quả; …
Chưa phát huy hết được tiềm năng, lợi thế của thành viên
Tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã 6 tháng đầu năm vẫn đang gặp một số tồn tại như điều kiện thời tiết bất thường, nhiều diễn biến khác quy luật hàng năm (nắng nóng, rét đậm, rét hại, mưa, lũ, lụt…) đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của loại hình HTX nông nghiệp. Đầu vụ Đông Xuân mưa nhiều, kéo dài, đất ướt làm chậm vụ gieo trồng và một số diện tích bị ngập phải gieo trồng lại; thời tiết rét đậm, rét hại, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Nhiều HTX khu vực miền Trung chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của mưa, ngập úng kéo dài. Nhiều HTX nông nghiệp khu vực miền Nam giảm sản lượng do nắng nóng.
Bên cạnh đó, về lĩnh vực nông nghiệp, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định về số lượng và yêu cầu chất lượng. Một số sản phẩm đã có thương hiệu đang có nguy cơ không duy trì được do thị trường bão hòa, năng lực sản xuất không đáp ứng nhu cầu, không còn sức cạnh tranh cao, khó tiêu thụ trên thị trường như cao lá vằng, rượu, gạo canh tác tự nhiên, tinh bột nghệ, rau an toàn… Về lĩnh vực phi nông nghiệp, hầu hết các lĩnh vực tốc độ tăng trưởng thấp, một số tăng trưởng âm, một số giảm quy mô, sản lượng sản xuất; chưa phát huy hết được tiềm năng, lợi thế của thành viên. Nhiều HTX không thể thực hiện được phương án sản xuất kinh doanh và kế hoạch triển khai năm, giai đoạn; dừng đầu tư vốn để mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh do tác động chung của thị trường…
Nguyên nhân là do một số HTX chưa thực sự chủ động, mạnh dạn đầu tư, phát huy nội lực để vươn lên phát triển sản xuất kinh doanh, một số nơi còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước; vai trò, trách nhiệm, tính liên kết của các thành viên trong phát triển HTX chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán chưa được chú trọng. Năng lực nội tại của các HTX còn yếu, trình độ lao động còn thấp; hạn chế về năng lực quản lý, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin; quy mô nhỏ; phát triển thiếu tính bền vững, không ổn định, chưa trích lập quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển đầy đủ theo quy định của Luật Hợp tác xã; ít có khả năng tự huy động nguồn lực từ thị trường để thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi khó khăn (quy định, thủ tục,…); hạn chế trong thực hiện chế độ kế toán, thống kê, báo cáo tài chính, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận vốn…
Xác định nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết trong 6 tháng cuối năm 2023, phát triển kinh tế tập thể, HTX tập trung các nhiệm vụ trọng tâm như sau: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới gắn với các vùng kinh tế theo kết luận số 45-KL/TW; Nghị quyết số 09/NQ-CP, 18-NQ/TW, 19-NQ/TW, 29-NQ/TW, Nghị định số 44/2023/NĐ-CP, ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, chỉ thị số 19-CT/TTg… nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, HTX hiệu quả và bền vững; quan tâm phát triển cả HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Cùng với đó, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các loại hình HTX với các thành phần kinh tế khác; phát triển số lượng, qui mô, chất lượng và hiệu quả; HTX, LHHTX, THT nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nghề cho người lao động và thành viên gắn với sản phẩm của HTX. Các HTX, LHHTX nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động theo quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ lợi ích của thành viên huy động các nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác tham gia thành viên, nhất là địa bàn nông thôn; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực quản trị phù hợp với chức danh cán bộ của HTX; đào tạo nghề cho thành viên và người lao động gắn với các sản phẩm chính của HTX, LHHTX, THT; đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, cấp mã vùng trồng, sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; tăng cường liên kết, hợp tác, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra trong nội bộ HTX, LHHTX.
Theo Quỳnh Trang – Lê Huy (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam)
Ngọc Dựng – Sưu tầm
Link bài gốc: https://vca.org.vn/uu-tien-thuc-hien-ket-noi-san-xuat-tieu-thu-san-pham-giua-cac-hop-tac-xa-voi-cac-thanh-phan-kinh-te-khac-a30010.html