Vai trò của hợp tác xã nông nghiệp trong phát triển kinh tế tập thể gắn với sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa tại tỉnh An Giang

Trong thời gian qua, việc phát triển kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là thành phần kinh tế quan trọng và luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ phát triển. Quá trình phát triển KTTT, HTX gắn với sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa tại tỉnh An Giang trong những năm gần đây được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo và thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh An Giang đã thực hiện tốt những chỉ đạo của Trung ương về phát triển KTTT, HTX như: Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 05/7/2018 của Chính phủ về “Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” và Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025” thông qua việc cụ thể hóa các chỉ đạo nêu trên bằng Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND, ngày 22/7/2019 của UBND tỉnh An Giang ban hành “Quy định thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”, Quyết định số 2615/QĐ-UBND, ngày 11/11/2020 của UBND tỉnh An Giang về “Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 05 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trên địa bàn tỉnh An Giang”, Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 23/3/2022 của UBND tỉnh An Giang “Thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang về phát triển KTTT, HTX tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025” và Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 15/4/2022 của UBND tỉnh An Giang về “Thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển HTX, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang năm 2022”.

 Trong thời gian qua, việc phát triển KTTT, HTX gắn với sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa tại tỉnh An Giang thể hiện qua việc liên kết ba bên giữa nông hộ (NH) – hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) – Công ty, doanh nghiệp (DN) trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh và đã phát triển mạnh trong những năm trở lại đây, qua đó đã đem lại hiệu quả thiết thực và góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, việc phát triển KTTT, HTX và triển khai liên kết chuỗi giá trị hàng hóa nông sản giữa NH – HTXNN – DN ở một số địa phương còn nhiều bất cập, lõng lẽo, quy mô nhỏ và chưa tương xứng với tiềm năng của các bên tham gia chuỗi giá trị hàng hóa. Thực trạng này cho thấy vị trí, vai trò, năng lực hoạt động, nguồn lực, uy tín của các bên tham gia mang tính quyết định. Đặc biệt, vai trò, năng lực của HTXNN có vị trí quan trọng, quyết định trong việc phát triển KTTT, HTX gắn với sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa của tỉnh An Giang trong thời gian qua và những năm tiếp theo.

Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, trong toàn tỉnh An Giang hiện có 261 HTX đang hoạt động trên 06 lĩnh vực: (1) HTX nông nghiệp, thủy sản: 196 HTX (06 HTX thủy sản, 02 HTX chăn nuôi, còn lại là HTX trong lĩnh vực trồng trọt với 13.100 thành viên và 02 liên hiệp HTXNN; có 40% số HTX thực hiện từ 02 dịch vụ trở lên và hơn 15% số HTX thực hiện dịch vụ tiêu thụ nông sản. Bình quân, mỗi HTXNN đạt doanh thu hơn 2,3 tỷ đồng/năm, đạt lợi nhuận 185,6 triệu đồng/năm); (2) HTX vận tải: 25 HTX; (3) HTX tiểu thủ công nghiệp: 05 HTX; (4) HTX thương mại, du lịch: 10 HTX; (5) HTX tài nguyên và môi trường: 01 HTX; (6) Quỹ tín dụng nhân dân: 24 quỹ.

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các HTX nói chung và HTXNN nói riêng, khi nhận thấy được tầm quan trọng của việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hoá nên ngày càng có nhiều HTXNN tham gia liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang và Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang, trong giai đoạn từ 2016-2020, đã có 93 HTX tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị lúa gạo gắn kết với 166 doanh nghiệp, cụ thể: Năm 2016, có 22 doanh nghiệp tham gia với diện tích 43.210 ha (chiếm 6,5% tổng diện tích trồng lúa toàn tỉnh); năm 2017, có 50 doanh nghiệp liên kết với diện tích 33.531 ha (chiếm 5,2% tổng diện tích trồng lúa toàn tỉnh); năm 2018, có 30 doanh nghiệp tham gia với diện tích 30.333 ha (chiếm 4,9% tổng diện tích trồng lúa toàn tỉnh); năm 2019 có 42 doanh nghiệp liên kết với diện tích 31.190 ha (chiếm 5,0% tổng diện tích trồng lúa toàn tỉnh) và năm 2020, có 22 doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với diện tích là 43.210 ha (chiếm 6,5% tổng diện tích trồng lúa toàn tỉnh). Năm 2020, UBND tỉnh An Giang và Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Công ty) đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác về sản xuất nông nghiệp (theo Đề án “Xây dựng thương hiệu gạo An Giang”, “Chương trình phát triển HTX kiểu mới gắn xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo, lúa nếp, rau màu và cây ăn quả, cung ứng dịch vụ nông nghiệp” và thực hiện các Dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh An Giang) đã tạo điều kiện cho các HTXNN mới được thành lập theo Thỏa thuận này có liên kết với Công ty để tham gia sản xuất lúa gạo vụ Đông Xuân 2020-2021 với diện tích 32.000 ha và cuối năm 2021 đạt 49.200 ha. Thông qua việc liên kết này, các HTXNN sẽ được phát huy hiệu quả tích cực về kỹ thuật canh tác, chính sách của Công ty ưu đãi cho HTXNN khi tham gia, giúp HTXNN tăng lợi nhuận, nâng cao vai trò, năng lực khi áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, quy trình quản lý chất lượng đồng bộ theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế để góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh An Giang đã và đang thực hiện.

Thực trạng hoạt động của các HTX nói chung và HTXNN nói riêng trong thời gian qua cho thấy, các HTXNN trong tỉnh hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh phần lớn là dịch vụ bơm tưới, bơm tiêu, cung ứng giống (cây trồng, vật nuôi), vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). Việc HTXNN liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hàng hóa nông nghiệp chủ yếu là liên kết cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm đầu ra như HTXNN đứng ra liên kết với các hộ sản xuất để thu mua nông sản bán lại cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp chế biến, đóng gói và tiêu thụ ra thị trường trong nước và quốc tế chứ ít có HTXNN độc lập thực hiện được một quy trình chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm để nhằm gia tăng giá trị cho HTX. Do đó, vị trí, vai trò, năng lực của HTXNN rất mờ nhạt trong quá trình tham gia chuỗi giá trị hàng hóa nông sản của tỉnh và phần giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp do HTXNN làm ra không được hưởng lợi trọn vẹn.

Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, khi thực hiện tốt việc liên kết giữa NH – HTXNN – DN trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được thực hiện đồng bộ, vì lợi ích của các bên tham gia sẽ mang lại hiệu quả và niềm tin cho nhau, cụ thể: Một là, góp phần giải quyết khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo cho thành viên HTXNN và nông hộ (nông dân). Hai là, giúp doanh nghiệp tạo được vùng nguyên liệu với diện tích lớn, đồng bộ, ổn định. Ba là, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập do HTXNN khi ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hoá trong sản xuất để tiếm kiệm thời gian, công lao động và gia tăng năng suất trên một đơn vị diện tích sản xuất. Bốn là, doanh nghiệp đã có ý thức quan tâm đến việc tham gia liên kết chuỗi giá trị hàng hóa với HTXNN, góp phần xây dựng, phát triển HTXNN để thông qua HTXNN tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu lớn, đồng bộ, ổn định cho doanh nghiệp. Năm là, HTXNN được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa. Sáu là, giúp HTXNN tạo việc làm ổn định cho thành viên, lao động nhàn rỗi tại nông thôn và duy trì bản chất hoạt động của HTX là vì thành viên theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Trong Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh An Giang, lúa gạo là một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Do đó, khi NH – HTXNN – DN tham gia liên kết chuỗi giá trị hàng hóa sẽ làm gia tăng giá trị, tạo ra sức cạnh tranh, tạo cơ hội việc làm cho thành viên HTXNN, nông hộ (nông dân). Thông qua sự liên kết này, các bên tham gia sẽ chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh, thời gian thu hoạch, chất lượng sản phẩm sẽ được nâng lên do thu hoạch đồng loạt, đúng thời điểm vụ mùa, thời gian tạm trữ nông sản sau thu hoạch được rút ngắn, giúp tăng lợi nhuận và hạn chế được những rủi ro tiềm ẩn trong sản xuất, kinh doanh nông sản. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong liên kết giữa NH – HTXNN – DN về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh An Giang trong thời gian qua cho thấy vị trí, vai trò, năng lực của HTXNN rất quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết này, nhất là vai trò tổ chức lại sản xuất trong quá trình tham gia chuỗi giá trị cho thấy HTXNN vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động như sau:  

Thứ nhất, HTXNN tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng hoạt động chưa cao, chưa tưng xứng với tiềm năng; phần lớn tổ chức KTTT, HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, phát triển không đồng đều giữa các địa phương, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh đơn dịch vụ (như bơm tưới, bơm tiêu, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp), HTXNN luôn phải đối mặt với những khó khăn như: Giá cả thị trường luôn biến động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh phức tạp (nhất là dịch bệnh Covid-19 hiện nay) đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các HTXNN.

Thứ hai, việc tuyên truyền thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 từ HTXNN đến thành viên, nông hộ còn gặp khó khăn, nhận thức của người dân, cơ quan quản lý về KTTT, nhất là HTX kiểu mới từng bước được nâng lên nhưng vẫn còn tâm lý e ngại tham gia HTX và KTTT. Tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ trọng của HTX đóng góp vào GDP quốc gia chưa ngang tầm, chưa đáp ứng yêu cầu. Vai trò của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc HTX, Ban Kiểm soát/Kiểm soát viên trong việc hỗ trợ các thành viên, nông hộ về nguồn vốn vay, về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức quốc tế còn hạn chế và việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, quản lý, điều hành của các HTXNN còn hạn chế.

Thứ ba, nguồn kinh phí của Nhà nước, của các tổ chức phi Chính phủ lĩnh vực KTTT, HTX để hỗ trợ phát triển HTXNN còn hạn chế, số lượng HTXNN tiếp cận được các chính sách hỗ trợ chưa nhiều; việc tiếp cận các nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương, địa phương và nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng cho các HTX còn hạn chế. Nhiều HTXNN có quy mô nhỏ, vốn ít, cơ sở vật chất làm việc còn gặp khó khăn (rất nhiều HTXNN chưa có trụ sở làm việc), chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của HTX; chế độ thu hút, đãi ngộ, tiền lương chưa tương xứng nên không thu hút được người có trình độ, người có năng lực về làm việc và cống hiến lâu dài cho HTXNN.

Thứ tư, công tác đào tạo, đào tạo bổ sung, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật, quản lý (Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát/Kiểm soát viên và Kế toán) của HTXNN chưa đáp ứng yêu cầu; công tác tài chính, kế toán của HTXNN chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa thực hiện kiểm toán nội bộ hằng năm để tăng sự minh bạch, tăng niềm tin của thành viên khi tham gia HTXNN; việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hằng năm chưa khả thi, báo cáo tài chính hằng năm chưa được quan tâm đúng mức, chưa minh bạch nên làm mất niềm tin của thành viên đối với HTXNN khi họ tham gia.

Thứ năm, một số HTXNN sau khi được thành lập thì không đăng ký kinh doanh hoặc có đăng ký kinh doanh nhưng hoạt động hình thức, cầm chừng, thụ động và trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và một số HTXNN có hoạt động về quản lý, sản xuất, kinh doanh chưa đúng những quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và chưa đúng bản chất của HTX là vì thành viên.

Thứ sáu, chưa có sự liên kết, hợp tác giữa các HTXNN cùng ngành nghề, cùng địa phương với nhau, nếu có liên kết thì chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. Nhiều HTXNN có cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, gặp khó khăn về vốn sản xuất, trình độ công nghệ sản xuất lạc hậu; năng lực, trình độ cán bộ quản lý, điều hành còn hạn chế (do số cán bộ này phần lớn xuất thân từ nông dân, lớn tuổi, trình độ thấp, kiến thức về quản trị còn hạn chế); kỹ năng về quản trị, tài chính, kế toán yếu kém và không đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của HTX trong điều kiện hiện nay.

Thứ bảy, công tác quản lý Nhà nước ở một số địa phương còn buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu, không đúng đối với tổ chức và hoạt động của HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đã quy định; việc đánh giá về hiệu quả và đóng góp của khu vực KTTT, HTX trong nền kinh tế quốc gia còn chưa đầy đủ; còn thiếu sót khi tính toán về sự đóng góp của các tổ chức KTTT đã dẫn đến việc hạ thấp vai trò, vị trí của thành phần KTTT, HTX trong nền kinh tế quốc gia.

Qua phân tích những tồn tại, hạn chế, yếu kém nêu trên, để nâng cao năng lực, vị trí, vai trò HTXNN trong phát triển KTTT, HTX gắn với sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa tại tỉnh An Giang trong hiện tại và thời gian tới cần quan tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên, người dân, doanh nghiệp về bản chất, vai trò, cơ chế hoạt động của HTX trong nền kinh tế quốc gia khi góp phần vào phát triển kinh tế chung của đất nước. Vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân, thanh niên nông thôn tham gia khởi nghiệp theo mô hình HTX kiểu mới. Các HTXNN cần được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, tiếp tục chọn lọc và nhân rộng các mô hình HTXNN kiểu mới có tham gia liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị hàng hóa với công ty, doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước.

Hai là, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách, hỗ trợ, ưu đãi thông qua các chương trình, đề án nhằm tạo môi trường thuận lợi cho HTX phát triển. Xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển HTXNN giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở rà soát, bổ sung, sửa đổi nội dung các văn bản luật, nghị định, thông tư, quyết định hiện hành còn bất cập, chồng chéo để phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao. Tiếp tục quan tâm công tác củng cố, hợp nhất, nâng chất các HTXNN hiện có, hỗ trợ các HTXNN trong việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hằng năm theo hướng tiếp cận nhu cầu thị trường; nâng cao hiệu quả hoạt động của HTXNN với nhiều ngành nghề, dịch vụ khác nhau; chú trọng công tác kết nạp thành viên HTXNN theo hướng chất lượng; khuyến khích thành viên trong HTXNN sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau; hỗ trợ HTXNN xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn để chủ động tham gia liên kết với nông hộ (nông dân), doanh nghiệp trong thực hiện chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Ba là, tăng cường, nâng cao năng lực, đào tạo bổ sung, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác quản lý HTXNN (Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát/Kiểm soát viên, Kế toán) các kiến thức, kỹ năng về quản trị, điều hành, kế toán, kiểm toán, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, đàm phán hợp đồng kinh tế; cần xây dựng kế hoạch dài hạn, khả thi về xử lý các HTXNN không hoạt động, hoạt động hình thức, hoạt động kém hiệu quả; tiếp tục công tác rà soát, phân loại, đánh giá hiệu quả hoạt động của các HTXNN để làm cơ sở sáp nhập, hợp nhất các HTXNN có quy mô nhỏ, hoạt động đơn dịch vụ thành HTX, Liên hiệp HTX, Liên đoàn HTX có quy mô cấp huyện, tỉnh, vùng và hoạt động đa dịch vụ, đa ngành nghề.

 Bốn là, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với HTXNN và gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương trong việc hỗ trợ phát triển KTTT, HTX gắn với chuỗi giá trị hàng hoá; công tác quản lý Nhà nước cần chú trọng việc kiến tạo, định hướng, hỗ trợ, không can thiệp sâu vào tổ chức và hoạt động của HTX (nếu HTX không vi phạm pháp luật); có đánh giá toàn diện về hiệu quả và đóng góp của khu vực KTTT, HTX trong nền kinh tế quốc gia; kiện toàn Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX của tỉnh, huyện, xã để thống nhất chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX; có cơ chế lồng ghép các chương trình, đề án, dự án trong nước và quốc tế về lĩnh vực KTTT,  HTX để tận dụng nguồn lực (con người, kinh phí, cơ sở vật chất) khi HTXNN tham gia chuỗi giá trị hàng hóa với doanh nghiệp.

 Năm là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTXNN; tiếp tục rà soát, thay đổi chính sách về đào tạo và thu hút người có trình độ, người giỏi về công tác tại HTXNN lâu dài; tiếp tục thực hiện chính sách đưa cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTXNN; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho HTXNN gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh; cần thành lập Liên hiệp HTX quy mô cấp tỉnh, Liên đoàn HTX quy mô cấp vùng để làm đầu kéo cho HTXNN thành viên nhằm tăng quy mô, tăng nguồn lực trong sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hàng hoá; chọn lọc các mô hình HTXNN hiệu quả để nhân rộng và tạo sức lan tỏa; có chính sách ưu tiên, hỗ trợ, khuyến khích HTXNN mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh để tham gia tích cực, hiệu quả vào chuỗi giá trị hàng hoá nông sản.

Sáu là, cần làm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của cả các bên khi tham gia chuỗi giá trị (NH – HTXNN – DN), cụ thể: (1) Nông hộ (nông dân) phải tuân thủ quy trình, kỹ thuật canh tác để đảm bảo về sản lượng, chất lượng sản phẩm trong hợp đồng đã quy định và cam kết bán sản phẩm cho doanh nghiệp sau khi thu hoạch; (2) HTXNN thực hiện khâu tổ chức sản xuất, làm đầu mối trong việc cung ứng sản phẩm đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ bơm tưới, bơm tiêu,…) và lo đầu ra cho nông hộ sau khi thu hoạch; (3) Doanh nghiệp phải cam kết thu mua hết sản lượng hàng hóa mà HTXNN đã thu hoạch theo giá được thoả thuận trong Hợp đồng hoặc giá thị trường tại thời điểm giao dịch. 

Bảy là, tiếp tục phát huy vai trò tư vấn, hỗ trợ, đào tạo của Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mật trận Tổ quốc trong việc phát triển KTTT, HTX tham gia chuỗi giá trị với doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước về HTX cần có những chính sách để HTXNN tiếp cận các nguồn vốn của các tổ chức tín dụng (Ngân hàng thương mại, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Quỹ tín dụng nhân dân); ủy quyền thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước và phân bổ thêm nguồn lực tài chính cho Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang để thực hiện nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo bổ sung nhằm nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ quản lý chủ chốt của HTX (Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát/Kiểm soát viên, Kế toán); có chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi xây dựng, triển khai các dự án phát triển vùng nguyên liệu và mô hình liên kết tiêu thụ, phát triển chuỗi giá trị hàng hóa bền vững khi liên kết với HTXNN theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 46/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang và Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.

Tám là, theo dõi, cập nhật quá trình hoạt động của các HTXNN và thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những mô hình HTXNN tham gia chuỗi giá trị hàng hóa nông sản với doanh nghiệp hiệu quả, uy tín để kịp thời biểu dương, khích lệ, khen thưởng các HTXNN này nhằm tạo niềm tin, động lực cho các HTXNN khác mạnh dạn tham gia chuỗi giá trị hàng hóa nông sản hiện tại và trong thời gian tới.

Tóm lại: Phát triển KTTT gắn với sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa muốn thành công thì cần quan tâm vị trí, vai trò và bản chất hoạt động của HTX. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần thúc đẩy HTX thay đổi tư duy về tổ chức, hoạt động, sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, góp phần nâng cao năng lực, vị thế, vai trò của HTX trong phát triển KTTT gắn với sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trên địa bàn tỉnh An Giang và thực hiện có hiệu quả Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh An Giang trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo./.

Tiến sĩ Đào Thanh Hoàng

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang.

Nguyên Phó Trưởng Cơ quan Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại phía Nam.