An Giang: Phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp, các ngành, xác định phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh là nhiệm vụ trước mắt và cả về lâu dài, phù hợp với định hướng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp tập trung, hiện đại, hiệu quả; chuyển đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Hội nghị triển khai các hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ lúa, nếp tại huyện Thoại Sơn

Ngày 03-12-2021, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra mục tiêu cụ thể, đó là hỗ trợ phát triển HTX, THT trong đầu tư cơ giới hóa, trang thiết bị, nhà xưởng, cơ sở sơ chế, chế biến, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng đồng bộ, an toàn, gắn với xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Đến cuối năm 2025, toàn tỉnh thành lập mới 108 HTX nông nghiệp (trong đó, mỗi năm thành lập mới tối thiểu 27 HTX phục vụ phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh). Số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt trên 90% (trong đó xếp loại tốt, khá trên 70%). Ít nhất 30% số HTX tham gia liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp hoặc có doanh nghiệp tham gia vào tổ chức và hoạt động của HTX (trong đó, mỗi cấp huyện phải có tối thiểu 03 HTX tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết bền vững với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, là HTX tiêu biểu, có khả năng nhân rộng toàn tỉnh).

Bộ máy quản lý điều hành của HTX đạt ít nhất 24% có trình độ đại học, cao đẳng và 15% có trình độ trung cấp, sơ cấp. Mỗi cấp huyện: lựa chọn và đầu tư để nhân rộng ít nhất 02 HTX (mỗi năm) về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương (hướng đến có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao hoặc các sản phẩm tiềm năng).

Những tiểu vùng, khu vực sản xuất chưa có HTX thì thành lập THT hoặc HTX để thực hiện được vai trò đầu mối liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông – lâm – thủy sản cho thành viên. Hàng năm, có ít nhất 05% THT trên tổng số THT hiện có tại địa phương được nâng chất phát triển lên HTX. Đến cuối năm 2025, phải đạt ít nhất 80% tổng số nông dân, hộ chăn nuôi là thành viên HTX, THT.

Phát triển ít nhất 02 liên hiệp HTX (có liên hiệp HTX quy mô cấp tỉnh), các Hiệp hội ngành hàng, câu lạc bộ của các thành viên trong HTX, liên hiệp HTX. Xây dựng hệ sinh thái HTX ngành hàng lúa gạo, rau màu và xoài; Hệ sinh thái HTX ngành hàng bò sữa và heo; Hệ sinh thái HTX ngành hàng cá tra.

Trên cơ sở lợi thế sinh thái sản xuất nông nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu mỗi địa phương cấp huyện xây dựng ngay ít nhất 03 HTX tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư như: Tập đoàn Lộc Trời, Angimex, Tân Long, Chánh Thu, Kim Nhung…và làm đầu tàu về liên kết sản xuất. Riêng huyện Tịnh Biên và Tri Tôn cần tập trung xây dựng thêm vùng chăn nuôi quy mô lớn về gia súc, gia cầm để liên kết với Tập đoàn TH, Tập đoàn Thaco…

Xây dựng và phát triển Trung tâm trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản, thông tin, dự báo thị trường cung – cầu, điều phối cung – cầu sản phẩm nông – thủy sản toàn tỉnh; tiến tới hình thành sàn giao dịch điện tử nông – lâm – thủy sản của tỉnh tại TP. Long Xuyên.

Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo lợi thế so sánh của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư. Mời gọi doanh nghiệp, nông dân, kể cả đội ngũ thương lái tại địa phương tham gia, đầu tư, góp vốn vào HTX để cùng sản xuất – kinh doanh trong nông nghiệp.

Ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển cho các HTX, THT, tập trung hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các HTX thực hiện tốt chuỗi giá trị sản xuất – chế biến tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý, điều hành HTX, THT đáp ứng xu thế phát triển hiện nay, trong việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO, G.A.P..), các công cụ nâng cao năng suất chất lượng (5S, KPI…), mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; có đủ trình độ hoạch định và tổ chức hoạt động đạt hiệu quả cao; có khả năng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị nông sản.

Tiếp tục hỗ trợ các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp về nhân sự có trình độ đại học, cao đẳng làm việc có thời hạn tại HTX (trong đó, chú trọng chức danh Giám đốc HTX đảm bảo đủ năng lực để đảm nhiệm tốt công tác quản trị HTX).

Có các chính sách đặc thù để khuyến khích các HTX ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; trọng tâm là công nghệ sau thu hoạch và chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản. Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào quản lý HTX, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật sản xuất; nâng chất hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị (cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức), người lao động, thành viên HTX, THT, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân hiểu rõ về HTX, vai trò quan trọng và lợi ích thiết thực trong liên kết sản xuất…/.

Tin, ảnh: NGỌC DỰNG