Cơ chế, chính sách đặc thù cho kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

Ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới.

HTX được hưởng chính sách đào tạo, tập huấn

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển KTTT theo hướng xác định các tổ chức KTTT là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân (đầu tư công – quản trị cộng đồng). Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù cho KTTT. Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển KTTT trên phạm vi toàn quốc để thống nhất, tập trung nguồn lực, phù hợp với yêu cầu phát triển của KTTT và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

HTX được thụ hưởng chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng

Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ 8 chính sách cụ thể đó là:

Chính sách phát triển nguồn nhân lực

Đưa nội dung đào tạo về kinh tế tập thể vào chương trình của một số trường đại học, giảng dạy chính thức trong chương trình đào tạo lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên. Hằng năm, dành chỉ tiêu cử cán bộ trẻ đi đào tạo chính quy về KTTT tại một số quốc gia có phong trào HTX phát triển mạnh. Chuẩn hoá các chức danh quản lý trong tổ chức KTTT (Giám đốc, Kế toán, Kiểm soát). Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với các cán bộ quản lý chưa đạt tiêu chuẩn chức danh vị trí đang đảm nhiệm. Khuyến khích thu hút cán bộ quản lý và khoa học về công tác tại các tổ chức KTTT, nhà nước hỗ trợ trả lương cho cán bộ quản lý và khoa học được đào tạo tại các trường đại học có chuyên ngành phù hợp, được đại hội thành viên nhất trí nhận về công tác tại các tổ chức KTTT.

Chính sách đất đai

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức KTTT tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn. Hoàn thiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp; trong đó, bố trí quỹ đất cho các tổ chức KTTT thuê. Ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với các tổ chức KTTT chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất, bảo đảm sử dụng đất đai có hiệu quả.

Chính sách tài chính

Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức KTTT. Hỗ trợ phí kiểm toán, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với các tổ chức KTTT.

Chính sách tín dụng: Các tổ chức KTTT được vay vốn như các tổ chức kinh tế khác; được hỗ trợ để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, các tiêu chuẩn, điều kiện cấp tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đối với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Nâng cao và phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX trong việc hỗ trợ các tổ chức KTTT vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch, không để thất thoát. Hướng dẫn thực hiện hoạt động tín dụng nội bộ tại các tổ chức kinh tế tập thể có đủ điều kiện.

Chính sách khoa học – công nghệ

Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho việc cung cấp dịch vụ tư vấn về quản lý và khoa học – công nghệ cho các tổ chức KTTT trên cơ sở nhu cầu và theo hợp đồng được ký kết với cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn. Hỗ trợ các tổ chức KTTT đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Hướng dẫn các tổ chức KTTT có dự án ứng dụng, nâng cao trình độ khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo được vay vốn trung và dài hạn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương.

Chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường

Hỗ trợ các tổ chức KTTT tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát thị trường; xây dựng, đăng ký thương hiệu; đăng ký sản phẩm thương mại; tham gia hội chợ, triển lãm ở trong và ngoài nước.

Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

Tổ chức KTTT được hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích chung của cộng đồng thành viên hoặc là nơi tiếp nhận/triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của Nhà nước vì mục tiêu phát triển cộng đồng. Xây dựng kết cấu hạ tầng xúc tiến thương mại, đầu tư; xây dựng và ứng dụng thương mại điện tử, sàn giao dịch. Tổ chức KTTT có trách nhiệm tự trang trải chi phí vận hành, bảo dưỡng các công trình được Nhà nước bàn giao, giúp cộng đồng quản lý và khai thác hiệu quả các công trình được xây dựng trên cơ sở nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, kết hợp với sự đóng góp của các thành viên. Hỗ trợ của Nhà nước là tài sản chung không chia khi thành viên ra khỏi tổ chức KTTT hoặc tổ chức KTTT giải thể, phá sản.

Chính sách bảo hiểm xã hội

Thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động và thành viên của các tổ chức KTTT làm việc theo hợp đồng, hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật; các thành viên khác không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tạo điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

(Trích từ Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII)

Tin, ảnh: TRỌNG NHÂN