Hợp tác xã nông nghiệp An Bình: mô hình HTX gắn với doanh nghiệp

Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) An Bình, huyện Thoại Sơn được thành lập năm 2015 gồm 76 thành viên, vốn góp 800 triệu đồng. HTX hoạt động 06 loại hình sản xuất kinh doanh bao gồm: cung ứng vật tư đầu vào (giống, thuốc, phân bón); dịch vụ thu hoạch lúa gặt đập liên hợp, máy nông nghiệp; sản xuất nước đóng bình; sản xuất kinh doanh gạo an toàn; sản xuất kinh doanh lúa giống; dịch vụ tiêu thụ sản phẩm liên kết với doanh nghiệp.

Giám đốc HTXNN An Bình Trần Văn Linh cho biết: “Trước khi thành lập đa số nông dân tại địa bàn sản xuất lúa còn rời rạc, nhỏ lẻ, tự phát, mỗi người canh tác một loại giống khác nhau, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, việc nắm bắt nhu cầu thị trường còn thiếu thông tin chính xác, tạo ra tình trạng cung vượt cầu và chưa biết đầu ra như thế nào. Chính vì lý do đó, một số nông dân liên kết lại và vận động nhiều nông dân khác tham gia thành lập HTX kiểu mới gắn với doanh nghiệp bao tiêu cho nông dân”. HTX là đơn vị đại diện thành viên tham gia ký kết hợp đồng với doanh nghiệp về cung ứng vật tư đầu vào hỗ trợ cho thành viên nợ đến cuối vụ không tính lãi, sau khi thu hoạch sẽ thanh toán đủ. Đồng thời, cử cán bộ hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân hạn chế các chi phí trong sản xuất, góp phần tăng năng suất và thu nhập cho người dân.

“Từ khi thành lập, HTX đã liên kết với Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng. Cụ thể: năm 2015 liên kết sản xuất với diện tích 132,8 ha; năm 2016:  540,2 ha; năm 2017: diện tích 594,6 ha; năm 2018: 752,9 ha; năm 2019: 1.337,2 ha. Đặc biệt, được Liên minh HTX tỉnh An Giang hỗ trợ đầu tư công theo Quyết định 2261 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay diện tích đã được mở rộng tăng gấp 10 lần so với năm 2015. Kết quả kinh doanh, năm 2016: 16.385 triệu đồng, năm 2017: 15.594 triệu đồng, năm 2018: 23.125 triệu đồng, năm 2019: 26.140 triệu đồng” – Giám đốc HTXNN An Bình Trần Văn Linh chia sẻ thêm.

Trong thời gian tới, HTX sẽ ký hợp đồng với diện tích nhiều hơn, phát triển thêm cánh đồng lớn theo Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh An Giang. Tìm kiếm và lựa chọn những doanh nghiệp và các đơn vị uy tín để đưa ra các dịch vụ phục vụ cho nhu cầu chung của thành viên tạo ra các sản phẩm chất lượng, hạn chế chi phí đầu tư và tăng giá trị sản phẩm cạnh tranh với thị trường, góp phần đảm bảo tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa với giá cả ổn định; từ đó thu hút thêm thành viên tham gia mô hình liên kết gắn với các doanh nghiệp như hiện nay./.

      Bài, ảnh: NGỌC DỰNG