Cần hành động cho chuỗi giá trị nông sản

“Có lẽ chúng ta đã hội đủ tất cả những điều kiện thiên thời – địa lợi – nhân hòa, có thể huy động các nguồn lực. Chúng ta cũng đủ điều kiện về mặt thị trường, đó là nhu cầu – điểm cuối của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong nước. Cho nên vấn đề là cần hành động”. Đây là thông điệp mà Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nêu ra tại Diễn đàn Kinh tế xanh 2018, với chủ đề Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông sản, định hướng thị trường trên nền tảng logistics, diễn ra ngày 12/12, do UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ đồng tổ chức.

Theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo, ngay sau diễn đàn này, tỉnh Hậu Giang cùng với bộ, ngành Trung ương (trong đó có Liên minh HTX Việt Nam) kết hợp cùng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ và các nhà đầu tư sẽ có những chương trình đầu tư lớn, có hiệu quả để có sự đột phá tăng trưởng kinh tế bền vững cho Hậu Giang cũng như phát triển hiệu quả chuỗi giá trị nông sản.

Gắn HTX với chuỗi

Những chủ đề trọng tâm được các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp (DN) trong nước và quốc tế bàn luận tại Diễn đàn Kinh tế Xanh là chuỗi giá trị nông nghiệp định hướng thị trường, chiến lược phát triển, kinh nghiệm thành công và những thách thức đặt ra; những xu hướng trong tiêu thụ nông sản trong nước và thế giới.

Về vai trò của HTX trong phát triển nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, ông Huỳnh Lam Phương – Phụ trách cơ quan thường trực Liên minh HTX Việt Nam tại miền Nam, cho biết tính đến cuối năm 2017 cả nước có gần 1.000 HTX nông nghiệp sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi, nhất là áp dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với DN.

Xét về tính hiệu quả, ông Phương cho biết chi phí đầu vào của HTX gắn với chuỗi thấp hơn 8 – 12%. Chất lượng sản phẩm nông sản cũng cao hơn, doanh thu tăng gấp đôi, thu nhập của thành viên HTX tăng 36%. Hơn nữa, nó còn giúp lan tỏa mô hình HTX kiểu mới trong cộng đồng dân cư, nâng cao nhận thức của cấp ủy và chính quyền địa phương; Giúp thu hút DN đầu tư, liên kết với HTX.

Ở góc độ một DN chế biến, tiêu thụ nông sản hàng đầu tại Việt Nam, ông Lee Yong Kyun – Giám đốc điều hành Lavifood, đã khẳng định tầm quan trọng của mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp đối với tiềm năng phát triển của ngành rau củ quả chế biến Việt Nam trong hội nhập thị trường quốc tế. Theo đó, nông dân phải tự chủ nguồn nguyên liệu, kiểm soát chất lượng xuất xứ, giá thành nguyên liệu và tạo lợi thế cạnh tranh chiến lược.

Theo ông Lee, với chất lượng sản phẩm nông sản được cam kết, DN này sẽ dành 40% để tiêu thụ tại kênh nội địa (như hệ thống các siêu thị Co.op mart, Big C, Lotte Mart, Satra) và 60% cho kênh nước ngoài với các đối tác như SPC, Kerry, Dole, GS, Emart, Trader joes…

chu-tich-nguyen-ngoc-bao-8882-1544621246
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu tại Diễn đàn

Con đường tất yếu

Dưới góc nhìn của nhà quản lý đối với một địa phương cụ thể như Hậu Giang đang theo đuổi mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp, ông Nguyễn Quốc Toản – quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho rằng tỉnh này đang có sự chủ động trong vấn đề gắn với chuỗi, nhất là khâu thị trường và logistics.

Theo ông Toản, cách đây 5 năm, Hậu Giang đã xây dựng một chiến lược quy mô đối với các mặt hàng nông sản chủ lực, đơn cử như lúa gạo được quy hoạch một diện tích 10.000 ha, với cây ăn trái là 10.000 ha hoặc với mía là 11.000 ha.

Phát biểu kết luận tại diễn đàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng nông sản xuất khẩu vẫn chưa ổn định về mặt giá cả cũng như thị trường. Con đường mà chúng ta phải tổ chức sản xuất là theo chuỗi giá trị nông sản, liên kết chặt chẽ giữa DN, HTX với người nông dân. Trong đó, HTX đóng vai trò kết nối nông dân với DN, với thị trường. Đây chính là bài toán đầu ra cho nông sản.

“Trong chuỗi giá trị nông sản, việc áp dụng công nghệ cao là con đường tất yếu, như vậy mới có thể cạnh tranh trên toàn cầu cũng như tại thị trường nội địa. Với tất cả mô hình chuỗi, từ nông dân cho tới siêu thị, từ nông dân tới chế biến, người sản xuất nguyên liệu đầu vào là nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, phải làm thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, mã vạch để tự chủ trong việc tiêu thụ”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nói.

Liên hệ thực tiễn từ nông sản tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng muốn vươn xa ra thị trường toàn cầu với tiêu chuẩn cao thì yếu tố quyết định là ở khâu chế biến, nhất là sản xuất chế biến lớn với vùng nguyên liệu ổn định, phương thức tổ chức sản xuất hợp lý, kết hợp giữa DN, HTX với nông dân.

Theo Thời báo Kinh doanh