Đưa nông sản Việt vào chuỗi cung ứng giá trị

Những năm qua, câu chuyện “được mùa mất giá” đã trở thành vấn đề nan giải đối với hoạt động của nhiều hợp tác xã. Làm thế nào để có thể phát triển được những chuỗi cung ứng giá trị nông sản an toàn là bài toán đặt ra trong bối cảnh cạnh tranh thị trường và đòi hỏi về chất lượng nông sản hiện nay.

Thu hoạch rau an toàn tại Hợp tác xã Rau sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Thời Nguyễn

Bài 1: Hiệu quả từ chuỗi nông sản an toànSau chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã (HTX) 2012, các HTX đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, phát triển sản xuất. Đến nay, nhiều HTX đã bước đầu thành công trong việc sản xuất và cung ứng hàng hóa vào các chuỗi cung ứng nông sản an toàn.
Nông sản “thâm nhập” chuỗi cung ứng
Năm 2015, ông Hoàng Văn Khảm, một nông dân tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành lập HTX Rau sạch Chúc Sơn, bắt tay vào sản xuất rau sạch theo công nghệ nhà màng, nhà lưới., được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp chứng nhận VietGAP sau quá trình đánh giá nghiêm ngặt.
Hiện, mỗi ngày HTX Rau sạch Chúc Sơn cung ứng ra thị trường 1 tấn rau củ quả an toàn. Điều đáng mừng, sản phẩm của HTX hiện không lo đầu ra. Giám đốc HTX Hoàng Văn Khảm cho biết, đơn vị đang cung ứng các loại rau sạch cho các bệnh viện: Bạch Mai, Nội tiết T.Ư và Hữu nghị Việt – Xô. Ngoài ra, còn có bếp ăn của hàng chục trường mầm non tại huyện Chương Mỹ và hệ thống các siêu thị của T-mart trên địa bàn nội đô.

“Cùng với tiếp tục đổi mới các mô hình sản xuất theo hướng hiện đại, giá trị cao, bền vững và an toàn thực phẩm, các HTX cần quan tâm tới đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm. Bởi điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường

Tương tự, tháng 12/2017, anh Lỗ Văn Thông – một nông dân tại thôn Phú Mỹ (xã Tự Lập) đã đứng ra vận động các hộ dân thành lập HTX Rau sạch Phú Mỹ, góp vốn, đất nông nghiệp để trồng rau. Trên diện tích khoảng 15ha, anh Thông cùng các thành viên đã đầu tư khoảng 2 tỷ đồng để cải tạo đất, xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, trồng các loại rau quả. 
Để bảo đảm đầu ra cho nông sản, HTX Rau quả sạch Phú Mỹ đã ký kết hợp tác với các DN, trường học trên địa bàn Hà Nội tiêu thụ khoảng 700kg trong tổng số 1.000kg rau quả sản xuất ra mỗi ngày, lượng còn lại được tiêu thụ qua các chợ dân sinh. Nhờ được truy xuất nguồn gốc, nông sản của HTX không chỉ dễ tiêu thụ, mà giá bán cũng cao hơn rau quả cùng loại khác từ 1.500 – 2.000 đồng/kg.
Đòn bẩy từ thương hiệu
Thành công bước đầu của HTX Rau sạch Chúc Sơn và HTX Rau sạch Phú Mỹ đã cho thấy hiệu quả tích cực từ quy trình sản xuất áp dụng công nghệ tiên tiến, và đặc biệt là liên kết trong phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Ở đó, vai trò kết nối của các DN, đơn vị phối hợp là rất quan trọng.
Giám đốc Big C Thăng Long Khúc Tiến Hà cho biết, hiện tại đã có 40 HTX liên kết với Big C cung ứng các sản phẩm nông sản, thủy hải sản, trong đó, 96% là hàng Việt Nam. “Big C luôn sẵn sàng hỗ trợ các DN, các nhà sản xuất, hộ nông dân và các HTX nông nghiệp trong việc phân phối hàng hóa từ hệ thống bán lẻ hiện đại” – ông Hà cho hay.
Dù vậy, đại diện Big C và một số đơn vị phân phối cho rằng, để có thể thâm nhập vào hệ thống bán lẻ, việc xây dựng thương hiệu là đòi hỏi cấp thiết và yêu cầu bắt buộc trong xu thế cạnh tranh hàng hóa ngày một khốc liệt hiện nay. Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) Lê Hồng Minh cho biết, từ khi xây dựng được thương hiệu rau sạch Lĩnh Nam, sản phẩm của HTX đã tiếp cận dễ dàng hơn với các hệ thống bán lẻ. Hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt.
Theo đại diện của nhiều HTX, ý nghĩa lớn nhất của việc tham gia cung ứng nông sản theo chuỗi là giúp người nông dân thay đổi tư duy, từ sản xuất nhỏ sang quy mô hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc và an toàn thực phẩm. Đây cũng là hướng đi cho các HTX trong việc tạo dựng chỗ đứng trên thị trường nông sản hiện nay.(còn nữa)

Theo kinh tế đô thị