Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và điều kiện để duy trì mức tăng trưởng

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đề ra trong Kế hoạch số 249/KH-UBND, ngày 17/5/2021 về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) năm 2021.

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, tính đến ngày 31/12/2020; lũy kế toàn tỉnh có 246 HTX, hoạt động trên 06 lĩnh vực, bao gồm:  HTX Nông nghiệp: 180 HTX (chiếm tỷ lệ 73,17%); Quỹ tín dụng nhân dân: 24 quỹ (chiếm tỷ lệ 9,75%); HTX Giao thông vận tải: 25 HTX (chiếm tỷ lệ 10,16%);  HTX Tiểu thủ công nghiệp: 05 HTX (chiếm tỷ lệ 2,03%); HTX Thương mại, Dịch vụ, Du lịch: 11 HTX (chiếm tỷ lệ 4,47%); HTX Tài nguyên và Môi trường (khai thác cát): 01 HTX (chiếm tỷ lệ 0,4%). Trong năm 2020, thành lập mới 56 HTX; số HTX đang hoạt động 232 HTX (chiếm tỷ lệ 94,3%) tổng số HTX.

  Khu vực KTTT, HTX có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài; đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho các thành viên, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực KTTT, HTX trong nền kinh tế.

Bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực KTTT, HTX vẫn còn hạn chế, bất cập. Nguyên nhân là do một vài nơi cấp huyện chưa quan tâm đúng mức về việc xây dựng Kế hoạch phát triển KTTT, HTX 05 năm và hằng năm; chưa lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội chung của ngành, địa phương.  

 Công tác quản lý Nhà nước ở một số nơi còn buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu, không đúng đối với tổ chức, hoạt động của HTX, tổ hợp tác. Trình độ quản lý HTX của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc còn hạn chế trong công tác tổ chức, trong việc mở rộng thêm dịch vụ và thu hút nguồn vốn từ việc kết nạp thêm thành viên mới của HTX, nguồn lực hỗ trợ phát triển HTX còn thấp. Một số HTX vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Việc quy định, hướng dẫn cơ chế, chính sách củng cố, nâng chất, hỗ trợ phát triển HTX từ bộ, ngành Trung ương còn chậm.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xác định, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm 2021 – 2025, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, các ngành và địa phương cần xác định rõ nhiệm vụ, yêu cầu để từ đó xây dựng Kế hoạch phát triển KTTT, HTX năm 2021 theo hướng tích cực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và điều kiện để duy trì mức tăng trưởng nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh một cách bền vững.

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển KTTT, HTX năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:

Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTTT, HTX; xây dựng Kế hoạch tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012.

Các Sở, Ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT, HTX, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phát triển KTTT, HTX như: Nghị quyết Trung ương 05 Khóa IX; Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị; Luật HTX năm 2012 và các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật HTX; Nghị định số 77/2019/NĐ-CP; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP; Quyết định số 340/TTg, Quyết định số 1804/QĐ-TTg, Quyết định số 167/QĐ-TTg; Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang về phát triển HTX, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch phát triển KTTT, HTX của tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025.

Nghiên cứu, đề xuất đưa nội dung phát triển KTTT, HTX vào giảng dạy (chuyên đề) trong hệ thống các trường chính trị, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 2615/QĐ- UBND, ngày 11/11/2020 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW, ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP; Chương trình, Đề án hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2021 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các chính sách khác có liên quan đến phát triển KTTT, HTX.

Tập trung xây dựng 06 “Hệ sinh thái HTX” phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh: Hệ sinh thái lúa gạo, Hệ sinh thái cá tra, Hệ sinh thái xoài, Hệ sinh thái bò sữa, Hệ sinh thái heo, Hệ sinh thái cửa hàng tiện lợi (Bách hóa xanh, nông sản an toàn, OCOP,…); liên kết HTX với doanh nghiệp xây dựng “Cánh đồng lớn”. Chú trọng nâng cao giá trị, chất lượng nông sản, hàng hóa đồng thời quan tâm xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm, ngành hàng chủ lực; quan tâm sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau.

Hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, kế toán, thành viên HTX; hỗ trợ thành lập mới 30 – 50 HTX trong năm 2021. Tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình đưa lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp.

Kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX ở cấp huyện để thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, phối hợp, điều hành. Tại các xã, phường, thị trấn, đề nghị phân công đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp chỉ đạo, điều hành về KTTT, HTX.

Tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX tỉnh, phù hợp quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Liên minh HTX, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Chú trọng hình thành mạng lưới tổ chức tư vấn, hỗ trợ các HTX thành lập mới, xây dựng và quản trị sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình KTTT, HTX tiên tiến, thành công, hiệu quả. Quan tâm, phát triển các tổ chức, cơ sở đảng, đoàn thể trong tổ chức KTTT, HTX.

Tiếp tục tập trung nguồn lực để củng cố, phát triển vững chắc HTX trên địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh An Giang. Triển khai thực hiện tốt việc xây dựng xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển KTTT, HTX…

Ngọc Dựng