Thực trạng và giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị lúa gạo trên địa bàn tỉnh An Giang

Toàn tỉnh An Giang hiện có 247 hợp tác xã đang hoạt động trên 06 lĩnh vực. Trong đó, hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) là 180 HTX (chiếm 73%), với hơn 16.000 thành viên, vốn điều lệ 42 tỷ đồng, tổng tài sản 60 tỷ đồng, doanh thu bình quân 4,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân 270 triệu đồng HTX/năm; về nhân sự có 1.162 cán bộ quản lý và điều hành; năm 2020 có 126 HTX được xếp loại hoạt động hiệu quả (chiếm 70%).

Hoạt động chủ yếu của đa số HTXNN là dịch vụ bơm tưới tiêu; riêng sản xuất lúa gạo có hơn 57 HTX; số ít từng bước đổi mới mở rộng quy mô sản xuất theo hướng đa dịch vụ; làm cấu nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm; thể hiện vai trò định hướng, hỗ trợ, dẫn dắt kinh tế hộ phát triển nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho thành viên.

Tọa đàm xây dựng chuỗi giá trị trong liên kết sản suất với các doanh nghiệp tại huyện Thoại Sơn

Kinh tế tập thể (KTTT), HTX đã và đang trở thành phương thức tổ chức hoạt động kinh tế phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển. Trong đó, mô hình HTX sản xuất kinh doanh liên kết chuỗi giá trị là một hướng đi giúp HTX có thể phát triển lâu dài và bền vững. Những năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng 36 mô hình HTXNN sản xuất, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với các doanh nghiệp, cụ thể: Năm 2017, có 50 doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với diện tích 33.531 ha (đạt 5,2% diện tích trồng lúa cả tỉnh); năm 2018 diện tích 36.283 ha (đạt 5,7% diện tích trồng lúa cả tỉnh). Riêng năm 2020 có 22 doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình cánh đồng lớn với diện tích là 43.210 ha (đạt 6,5% diện tích trồng lúa cả tỉnh) với sự tham gia của 57 HTXNN. Đặc biệt, gần đây nhất các HTXNN mới được thành lập theo chương trình thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh An Giang và Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cũng đã liên kết thực hiện vụ Đông Xuân 2020 – 2021 với diện tích 32.000 ha, kế hoạch dự kiến cuối năm 2021 đạt 49.200 ha. Có thể khẳng định, liên kết theo chuỗi giá trị góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa; đồng thời có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt đối với nông dân, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng.

Kết quả bước đầu của việc liên kết cho thấy:Giải quyết một phần khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo cho thành viên và nông dân; Tạo ra vùng nguyên liệu ổn định; Giảm chi phí, tăng thu nhập do cơ giới hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật; Doanh nghiệp bắt đầu chú ý đến việc tham gia liên kết, xây dựng và phát triển các HTX để tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định thông qua HTX; Hưởng ưu đãi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp; Tạo việc làm cho lao động nông thôn…

Nhìn chung hình thức phổ biến hiện nay giữa HTXNN với doanh nghiệp là liên kết cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm đầu ra hoặc cung ứng vật tư nông nghiệp để sản xuất theo quy trình an toàn, nhưng không bao tiêu sản phẩm đầu ra. HTX đứng ra liên kết kinh tế hộ để thu mua nông sản đưa ra thị trường thông qua các doanh nghiệp, chứ hoàn toàn chưa phải là một quy trình chuỗi liên hoàn khép kín để nhằm gia tăng giá trị đúng nghĩa. Đó chưa phải là bản chất, mô hình đầy đủ của HTX.

Lúa gạo là một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Do đó, khi tham gia liên kết chuỗi giá trị có thể làm tăng giá trị gia tăng, tạo ra sức cạnh tranh, có cơ hội tạo công ăn, việc làm cho người nông dân. Nhờ vào các mối liên kết giữa doanh nghiệp – HTX –  nông dân sẽ hoạch định được kế hoạch sản xuất, chất lượng sẽ được nâng cao do thu hoạch đúng thời điểm, thời gian lưu trữ sau thu hoạch ngắn, tăng lợi ích. Đồng thời, hạn chế được những rủi ro tiềm ẩn. Do một mặt, HTX, người nông dân có đầu ra; doanh nghiệp có đủ nguyên liệu, ổn định được sản xuất và thị trường tiêu thụ nên có nhiều cơ hội đầu tư mở rộng, nâng cao khả năng cạnh tranh. Mặt khác, Nhà nước thực hiện được mục tiêu bảo đảm lợi nhuận từ 30% trở lên đối với người nông dân, hạn chế được tình trạng được mùa, mất giá.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế như sau: Để xây dựng mối liên kết chuỗi giá trị giữa HTX với doanh nghiệp thành công, cần có nhiều yếu tố: Nhân lực có trình độ, vốn và đất sản xuất, nhà cung cấp sản phẩm đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Thực tế hiện nay, chất lượng hoạt động của một số HTX còn yếu, hiệu quả không cao, thiếu nhân lực chủ chốt, cán bộ quản lý chưa thực sự tâm huyết để tạo sự đột phá, chưa khai thác tối đa sức mạnh, vai trò của các thành viên nhằm phát huy sức mạnh tập thể; các thành viên HTX chưa thực sự thực hiện đúng, đủ vị trí của mình. Các HTXNN làm thế nào tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp với HTX và người nông dân. Bởi vì, hiện nay hiệu quả trong liên kết và khả năng nhân rộng các mô hình còn hạn chế; tỷ lệ lúa gạo được tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa HTX và doanh nghiệp còn thấp; hợp đồng tiêu thụ còn nhiều điều khoản lỏng lẽo và tính khả thi; thậm chí có những hợp đồng không có giá trị pháp lý; ý thức tuân thủ hợp đồng của nông dân không cao, họ thường bán lúa cho người mua hoặc doanh nghiệp khác khi giá thị trường cao hơn giá hợp đồng đã ký hoặc xuất hiện các điều kiện khác hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, có doanh nghiệp cũng chưa tôn trọng lợi ích của HTX, nông dân; hợp đồng đưa ra các điều khoản không phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân; không thực hiện đúng các điều khoản đã ký kết; cung ứng vật tư giá cao; đơn phương phá bỏ hợp đồng khi có biến động về giá; ép giá như đưa ra những yêu cầu quá cao về chất lượng nhằm giảm giá sản phẩm khi thu mua; trì hoãn việc thu mua khi chính vụ làm giảm chất lượng lúa gạo, thanh toán hợp đồng chậm; thiếu quan tâm đầu tư cho vùng nguyên liệu. Hiện tượng phá vỡ hợp đồng khá phổ biến; các tranh chấp hợp đồng chưa được giải quyết; chưa thật sự  hài hòa trong chia sẽ lợi ích và rủi ro. Chưa hình thành được vùng sản xuất liền canh có diện tích lớn từ 500 ha trở lên; chưa thực sự đáp ứng các tiêu chí cánh đồng lớn. Hiện các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lúa gạo ở tỉnh An Giang chưa nhiều, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp chưa đủ phủ kín, việc đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế; hơn nữa doanh nghiệp có đủ tiềm lực, thế mạnh về con người, tài chính để đầu tư thực hiện cả chuỗi liên kết cũng chưa có.Đối với những HTX có cán bộ của doanh nghiệp cử sang để tham gia vào bộ máy quản lý, điều hành chỉ quan tâm chú trọng thực hiện theo nhiệm vụ của doanh nghiệp đã giao, nên không thể mở rộng liên kết với các đối tác khác. Năng lực quản lý, điều hành, khả năng đàm phán của HTXNN còn yếu, nhất là quản lý về tài chính, kế toán; vai trò cán bộ quản lý, điều hành HTX chủ yếu xuất thân từ nông dân nên rất mờ nhạt. Phần lớn các HTXNN làm dịch vụ bơm tưới, tiêu; có diện tích, quy mô nhỏ nên chưa mạnh dạng tham gia, mặt khác chỉ quan tâm đến sản xuất mà không chú trọng đến chế biến, thương mại, maketting… Do đó, nông dân thường lâm vào cảnh được mùa rớt giá vì không kiến tạo được thị trường, không có thương hiệu tốt cũng như kênh phân phối hiệu quả.

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai liên kết chuỗi giá trị trong thời gian qua. Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang đề xuất một số giải pháp, cụ thể như sau: Tổ chức lại sản xuất theo nguyên một chuỗi giá trị; nhân rộng các mô hình HTXNN kiểu mới với sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp tại các địa phương có nền tảng tốt về liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác củng cố nâng chất các HTXNN hiện có thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động, phương án sản xuất kinh doanh với phát triển nhiều loại hình dịch vụ khác nhau, kết nạp thêm thành viên và tham gia sử dụng dịch vụ HTXNN nhiều hơn; xây dựng và hỗ trợ những HTX này trở thành trung tâm liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để thực hiện liên kết chuỗi giá trị sản xuất từ đầu vào đến đầu ra, gắn với ứng dụng công nghệ cao. Đây là hướng đi cốt lõi, đảm bảo cho liên kết sản xuất bền vững, nông dân sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu, dần kiểm soát được giá cả sản xuất. Năng cao năng lực đội ngũ quản lý HTXNN các kiến thức cần thiết về quản trị. Bên cạnh đó, quan tâm bồi dưỡng cán bộ Nhà nước, đoàn thể các cấp về phát triển KTTT, HTX, về Luật Hợp tác xã, về các văn bản hướng dẫn Luật, về liên kết sản xuất và tiêu thụ; từng bước hình thành lực lượng tư vấn về lĩnh vực kinh tế hợp tác tại chổ để kịp hỗ trợ khi có nhu cầu; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về KTTT, HTX; tiếp tục xử lý các HTXNN không hoạt động, hoạt động hình thức, kém hiệu quả; sáp nhập, hợp nhất các HTX có quy mô nhỏ. Lồng ghép các chương trình, đề án, dự án khác nhau để triển khai thực hiện chủ trương về xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chuỗi giá trị hàng hóa để tạo sức lan tỏa. Triển khai việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, chế biến của HTX; thực hiện các nội dung, chính sách ưu tiên hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới đối với HTX. Để xây dựng thành công liên kết chuỗi, đòi hỏi doanh nghiệp và nông dân phải thực hiện đầy đủ và đúng những cam kết của mình. Về phía nông dân phải triệt để áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất đảm bảo sản lượng và chất lượng sản phẩm theo quy định hợp đồng; đồng thời không vì lợi ích trước mắt mà bán sản phẩm ra bên ngoài. Các công ty, doanh nghiệp phải đảm bảo thu mua hết sản lượng lúa hàng hóa mà nông dân làm ra theo giá thị trường tại thời điểm. Các HTXNN phải đổi mới tổ chức quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động, tham gia mạnh hơn nữa vào liên kết chuỗi giá trị để tăng sức cạnh tranh. Về phía Nhà nước cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ quản lý chủ chốt của HTX; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với HTX. Rà soát và hỗ trợ các doanh nghiệp có đủ tiềm lực để xây dựng và triển khai dự án phát triển vùng nguyên liệu ổn định và mô hình liên kết tiêu thụ, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững thông qua các gói hỗ trợ cụ thể đối với từng doanh nghiệp nhằm phát huy tối đa việc tiếp cận chính sách và hiệu quả theo tinh thần Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 05/7/2018 của Chính phủ về “Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” và Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND, ngày 22/7/2019 của UBND tỉnh An Giang “Quy định thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”. Các HTXNN tham gia chuỗi liên kết được ưu tiên hỗ trợ tiếp cận vốn và chính sách ưu đãi về tín dụng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Trung ương, của tỉnh và Quỹ đầu tư phát triển tỉnh. Về phía các ngành liên quan cần tiếp tục chủ động tìm kiếm, mời gọi các doanh nghiệp uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh có quy mô lớn để tạo cầu nối cho HTX; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh giao; chú trọng thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX; đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng bám sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển của thị trường, môi trường kinh doanh, đặc biệt là lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và công tác quản trị trong HTX. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm HTX; cung cấp thông tin thị trường; khuyến khích các HTX tích cực tham gia các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, hội nghị, triển lãm, hội chợ, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các chương trình phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Liên minh Hợp tác xã các tỉnh bạn. Cùng với đó, tiếp tục vận động thành lập các HTX, liên hiệp HTX nhất là tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao bảo đảm hoạt động đúng nguyên tắc của Luật Hợp tác xã; kiểm tra đánh giá, xếp loại HTX hằng năm./.

Đoàn Thanh Triều