Chiến lược phát triển kinh tế tập thể ở An Giang

Thời gian qua, công tác chỉ đạo, các cơ chế chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) của An Giang được ban hành kịp thời, phù hợp tình hình thực tế địa phương, tạo môi trường thuận lợi cho khu vực kinh tế tập thể phát triển nhanh và bền vững.

Còn nhiều băn khoăn

Toàn tỉnh hiện có 1.089 tổ hợp tác đang hoạt động, với hơn 19.000 thành viên, có 288 HTX với gần 140.000 thành viên hoạt động trên 6 lĩnh vực: Nông nghiệp; tiểu thủ công nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch; khai khoáng; quỹ tín dụng nhân dân.

Ngoài ra, còn có 2 liên hiệp HTX đang hoạt động (Liên hiệp HTX Thoại Sơn và Liên hiệp HTX Tri Tôn), với 20 thành viên. Hơn 6.300 lao động làm việc thường xuyên trong HTX, 1.800 cán bộ quản lý HTX (trình độ cao đẳng, đại học 513 người, chiếm 28,6%). Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong HTX đạt 63 triệu đồng/người/năm; doanh thu bình quân 5,5 tỷ đồng/năm, lãi bình quân 950 triệu đồng/năm, tăng so cùng kỳ.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) An Giang, kinh tế tập thể tại An Giang còn một số hạn chế cần khắc phục. Trong công tác quản lý nhà nước, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức. Đa phần cán bộ phụ trách về kinh tế tập thể đều kiêm nhiệm, thời gian dành cho lĩnh vực này không nhiều, trong khi yêu cầu công việc ngày càng lớn.

Việc thành lập, nâng chất HTX chỉ tập trung ngành lúa gạo, còn lại, như: Cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi… vẫn hạn chế. Bộ máy quản lý, điều hành HTX lớn tuổi, trình độ chuyên môn hạn chế nên lúng túng trong định hướng, xây dựng kế hoạch, giải pháp hoạt động sản xuất – kinh doanh; chưa thực sự năng động trong cơ chế thị trường…

Nhiều HTX thiếu vốn để mở rộng sản xuất, nhưng chưa thể, hoặc khó tiếp cận chính sách hỗ trợ vay vốn từ tổ chức tín dụng, do không có tài sản thế chấp. Do ít nguồn vốn để hoạt động, cộng thêm việc trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ nên HTX chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh kém. Phần lớn HTX không có quỹ đất, không có nguồn đối ứng đủ điều kiện được hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, vốn sự nghiệp khoa học – công nghệ… Việc liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn.

Một số giải pháp

Giám đốc Sở KH&ĐT An Giang Phạm Minh Tâm đề xuất: “Cần tập trung chỉ đạo, khẩn trương triển khai hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX theo kế hoạch. Bồi dưỡng tập huấn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX. Tập trung nguồn vốn thực hiện chương trình, kế hoạch từ tỉnh đến cơ sở trong lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX, nông thôn mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… để ưu tiên hỗ trợ phát triển, nâng chất HTX, đặc biệt là HTX tham gia Đề án 167 của Thủ tướng Chính phủ. Tham mưu thực hiện tốt, hiệu quả chính sách hỗ trợ về kinh tế tập thể sát thực tiễn, đặc biệt là tăng cường vai trò của chính quyền trong thực hiện chính sách hỗ trợ HTX”.

Tại buổi tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn An Giang”, do Sở KH&ĐT tổ chức, nhiều ý kiến tham vấn từ các chuyên gia của Cục Kinh tế hợp tác (Bộ KH&ĐT), Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Trường Chính sách công và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện Biến đổi khí hậu (Trường Đại học An Giang). TS Trần Minh Hải (Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn) cho rằng: “Địa phương cần quan tâm hình thành, phát triển HTX kiểu mới đối với lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; tổ chức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. HTX phải tổ chức dịch vụ mang lại lợi ích cho thành viên, nhân sự HTX giỏi, có khả năng kinh doanh, minh bạch”.

Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy liên kết theo chuỗi, TS Trần Minh Hải đề nghị, cần xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lớn để liên kết doanh nghiệp (DN), nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; HTX đủ năng lực kinh doanh và làm dịch vụ cho DN; chính quyền hỗ trợ HTX và DN liên kết; tạo giá trị gia tăng trong chuỗi chế biến, du lịch. Không nên chạy theo số lượng, cần tăng chất lượng HTX, tăng khả năng tổ chức kinh doanh của HTX, xây dựng HTX điểm tại từng huyện. Chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tư duy tích hợp đa giá trị, liên ngành…

“Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải thấy được khó khăn, để tăng cường sự lãnh đạo, hỗ trợ, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể. Đẩy mạnh liên doanh liên kết, ký kết hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm giữa các thành phần kinh tế tập thể với DN, đảm bảo lưu thông sản phẩm đầu vào – đầu ra ổn định, bền vững. Xây dựng trung tâm kết nối, điểm bán hàng, vừa cung cấp nhu cầu trong tỉnh, vừa kết nối cung ứng tới thị trường trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, cập nhật ứng dụng công nghệ đến với HTX. Sở KH&ĐT sẽ tham mưu thành lập Đề án phát triển kinh tế tập thể An Giang giai đoạn 2024 – 2030; kiến nghị các bộ, ngành điều chỉnh chính sách, thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo vùng ĐBSCL…” – Giám đốc Sở KH&ĐT An Giang Phạm Minh Tâm nhấn mạnh.

Theo Hạnh Châu – Báo An Giang

(Việt Đức – Sưu tầm)

Link bài gốc: https://baoangiang.com.vn/chien-luoc-phat-trien-kinh-te-tap-the-o-an-giang-a385986.html